(Người Chăn Nuôi) – Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tả heo châu Phi.
Trong Công văn nêu rõ, hiện dịch bệnh tả heo châu Phi tại Quảng Ninh đang có nguy cơ lây lan diện rộng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh ngày 31/5, toàn tỉnh đã phát sinh 68 hộ trên tổng số 25 thôn, khu thuộc 12 xã, phường rải rác tại 4 huyện, thị xã, thành phố; tổng số heo bị chết và tiêu hủy là 406 con với trọng lượng khoảng 21.097,2 kg.
Một ổ dịch tả heo châu Phi tại xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên. Ảnh: Bùi Niên
Để chủ động phòng, chống, khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi. Trong đó, các địa phương đã xuất hiện dịch như Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã phải trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, huy động mọi nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi với mục tiêu quyết tâm nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Đồng thời, thành lập ngay các chốt kiểm dịch động vật tạm thời (cấp xã) để thực hiện kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo tại vùng dịch, tạm thời nghiêm cấm vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra, vào vùng dịch. Việc giết mổ heo tại vùng dịch cần được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thú y.
Bên cạnh đó, tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng các phương tiện đi từ vùng dịch ra bên ngoài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; Thành lập các tổ, đội công tác của xã, thôn khu thực hiện việc giám sát chặt chẽ ổ dịch. Hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi thu gom phân, rác, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc chủ động sử dụng vôi bột rắc xung quang chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh. Chuẩn bị địa điểm chôn hủy, nhân lực, vật lực thực hiện tiêu hủy heo bệnh; bố trí kinh phí để mua vật tư, hóa chất, chi trả công cho lực lượng tham gia chống dịch và hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh buộc tiêu hủy theo quy định.
Đối với các địa phương chưa có dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, tổ chức hội nghị triển khai cấp huyện, xã quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số hộ, số trại chăn nuôi của từng địa phương để có số liệu ước tính kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và các điều kiện khác phục vụ công tác chống dịch. Ngoài ra, tỉnh yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến heo, sản phẩm từ heo trên địa bàn; yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết nghiêm túc thực hiện “5 không” bao gồm: Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, sản phẩm heo bệnh, heo chết; Không vứt xác heo bệnh, heo chết ra ngoài môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Thùy Khánh