Xuất khẩu gia cầm: Trợ lực từ thú y

(Người Chăn Nuôi) – Là một trong những nước có đàn gia cầm lớn nhất thế giới, tuy nhiên, sản phẩm chăn nuôi gia cầm của nước ta vẫn chủ yếu phục vụ tiêu dùng trong nước, tỷ lệ xuất khẩu dù đã tăng nhưng chưa đáng kể. Hiện, ngành hàng này đang thay đổi chiến lược với việc thị trường mở rộng dần mỗi năm. Để thực hiện được điều này, xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm rất cần trợ lực từ thú y.

Những thay đổi chóng vánh

Ngành hàng gia cầm có đóng góp rất lớn trong giá trị sản xuất chăn nuôi nước ta và khá ổn định so với các động vật khác. Xuất khẩu thịt, trứng gia cầm không ngừng tăng lên từ nửa thế kỷ qua kể từ khi đất nước thống nhất. 

Không kể đến hai vật nuôi là cút và chim yến, thì thịt gà, vịt và trứng gia cầm không chỉ đem lại giá trị dinh dưỡng cao cho bữa ăn và sức khỏe con người, mà còn đặt nền móng khá sớm ra thị trường thế giới. Xuất khẩu lạp vịt và lông vũ từ lâu là hai mặt hàng được ưa chuộng ở Trung Quốc và và nhiều nước châu Âu. Theo thông tin của Cục Thú y, đã có 20 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hai mặt hàng này (tính đến năm 2020), thu về hàng triệu USD mỗi tháng.

Cho đến cuối thế kỷ 20, xuất khẩu thịt gà Việt Nam đã manh nha đưa được hàng sang Nhật Bản (gà Nagoya chân chì trong chương trình Heifer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Đáng tiếc là chất lượng gà khi ấy không đạt yêu cầu. Đến nay, thông qua hợp tác song phương giữa Công ty Koyu & Unitek và Hợp tác xã Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai), thịt gà Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật đều đặn, thành công vượt qua hàng rào kỹ thuật đòi hỏi chất lượng cao. 

Thêm một doanh nghiệp nữa là Công ty Bel Gà. Với vốn đầu tư nước ngoài lớn, Bel Gà đã và đang là nguồn cung cấp giống gà trắng công nghiệp và gà siêu trứng không chỉ cho thị trường nội địa mà còn tới các nước láng giềng, và dự kiến sẽ mở rộng phát triển ra khu vực Đông Nam Á. 

Có thể nói, hoạt động xuất khẩu sản phẩm gia cầm đang đạt những bước phát triển mà các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từng kỳ vọng ở thập niên 90 thế kỷ trước và ngày càng rõ nét hơn. 

xuất khẩu trứng

Trứng gia cầm là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành chăn nuôi. Ảnh minh họa

Nhìn lại cán cân xuất – nhập khẩu

Số liệu của Cục Chăn nuôi cho thấy, tình hình chăn nuôi cả nước quý I/2024 tương đối ổn định cả về tổng đàn và tốc độ tăng trưởng. Trong đó, tổng số gia cầm tăng 2,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi ước đạt 593.800 tấn.

sản lượng thịt gia cầm hơi

Theo dự báo từ Ban Chỉ đạo Chất lượng, An toàn thực phẩm và Phát triển thị trường, dự kiến sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đầu năm 2024 là 1,2 triệu tấn, chiếm 30% cơ cấu thịt động vật trên cạn (4,05 triệu tấn). Tuy nhiên, hết quý I/2024, mục tiêu vẫn chưa đạt tới 50% con số mong muốn. Mặc dù vậy, sản lượng này vẫn tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. 

dự kiến sản lượng gia cầm 6 tháng năm 2024

Do khu vực chăn nuôi doanh nghiệp phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát, diễn biến giá bán bình quân gà công nghiệp đến tháng 3/2024 so với tháng 3/2023 tương đương như nhau. Trong suốt 12 tháng này thì giá gà công nghiệp giảm sâu nhất là tháng 7/2023 ở miền Tây Nam bộ, trong khi lại tăng cao ở miền Đông Nam bộ, không chỉ cung vượt cầu do thịt gia cầm sản xuất nội địa bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, mà còn làm cho nhà chăn nuôi chịu thiệt hại ở phí vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thời điểm giữa năm, thịt gia cầm cần thị trường nước ngoài tiêu thụ để đảm bảo sự ổn định giá trị ngành hàng.

giá thu mua gà công nghiệp

Trong khi đó, sản lượng trứng quý I/2024 được 5,026 triệu quả, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Do đàn gà chuyên trứng đang phục hồi quy mô sản xuất nên việc xuất khẩu trứng cùng kỳ năm ngoái đã nói rõ lên điều này.

sản lượng trứng gia cầm

xuất khẩu trứng gia cầm

Theo Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ ký kết năm 2000, trứng gà từ Mỹ được xóa bỏ hàng rào thuế quan vào Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XXI, nhưng trong thực tế không có quả trứng gà nào từ Mỹ vào nước ta. Song khoảng 10 năm trước, thịt gà của quốc gia này đã từng bị các nhà chăn nuôi Việt Nam (nhất là tỉnh Đồng Nai) đòi kiện chống bán phá giá; mà trên thực tế do thiếu hàng rào kỹ thuật hợp lý để kiểm soát nên gà tồn trữ phía họ được nhập vào Việt Nam một cách ồ ạt. 

Và khi nhập khẩu phụ phẩm thịt gà vẫn đang rầm rộ vào nước ta thì trong ngành hàng gia cầm Việt Nam, chỉ có mặt hàng trứng (gồm cả lòng đỏ trứng và trứng muối) xuất ngoại khá thành công tới một số quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ. 

Cần thêm những trợ lực

Ngành hàng gia cầm của nước ta được đánh giá có nhiều tiềm năng, tuy nhiên điều kiện cần thiết là các vùng an toàn dịch bệnh được quốc tế công nhận. Đơn cử như liên doanh chăn nuôi Phú Gia (Việt – Hungary), chỉ vì chưa được công nhận an toàn dịch bệnh ở Thanh Hóa mà đối tác liên doanh phía châu Âu không thể nhập khẩu được vào EU. Đây là mơ ước của ngành chăn nuôi – thú y và nhà đầu tư sản xuất thịt, trứng tại Việt Nam. Một câu hỏi đặt ra, tại sao nguồn giống gia cầm tốt ta đều nhập từ EU, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu đến 80% mà sản phẩm làm ra cung đã vượt cầu nội địa, nhưng vẫn chưa xuất khẩu được như mong muốn? 

Trong chăn nuôi, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Và theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Vậy nên, để xuất khẩu thịt và trứng gia cầm mạnh hơn nữa, các cơ quan thú y Việt Nam cần phải thực hiện quyết liệt theo Luật Chăn nuôi và Luật Thú y đang có hiệu lực, để Việt Nam có nhiều vùng an toàn dịch bệnh phục vụ cho ngành hàng gia cầm phát triển ổn định và bền vững. Từ đó, các nghị định thư song phương và hiệp định thương mại tự do mọi khu vực trên thế giới có sức “cầu” thì mới gặp được nguồn “cung” ở Việt Nam. 

Xuất khẩu thịt, trứng gia cầm nằm trong chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030; hy vọng vai trò của ngành thú y trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi chế biến có điều kiện hoạt động tốt hơn khi các vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi xuất khẩu thông qua các thỏa thuận thú y theo thông lệ quốc tế.

“Theo Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030, đến năm 2025, có 6 vùng của tỉnh Bình Phước, 1 vùng của Tây Ninh, 12 vùng khác của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH).

ThS Tống Quang Minh

Trưởng ban Hợp tác Quốc tế VIPA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *