(Người Chăn Nuôi) – Tại Hội nghị “Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật” tổ chức tại tỉnh Tây Ninh mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến mong muốn các doanh nghiệp chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong những năm qua, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Kết quả, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, Newcastle, tai xanh, dịch tả heo cổ điển, lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả heo châu Phi cơ bản được kiểm soát tốt. Nhờ vậy, ngành chăn nuôi Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại công nghiệp, từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm.
Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 76 vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 1.779 cơ sở ATDB và 152 vùng ATDB tại 60 tỉnh, thành phố. Trong 1.779 cơ sở ATDB có 714 cơ sở đối với gia cầm, 971 cơ sở đối với heo và 94 cơ sở đối với gia súc khác. Về vùng ATDB, đối với gia cầm có 76 vùng gồm 57 vùng cấp xã, 18 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh; đối với heo là 24 vùng, gồm 19 vùng cấp xã và 5 vùng cấp huyện; Đối với gia súc khác là 71 vùng, gồm 46 vùng cấp xã; 24 vùng cấp huyện và 1 vùng cấp tỉnh.
Từ năm 2022 đến 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 62.000 tấn mật ong, 36.000 tấn sữa, 19.000 tấn thịt heo, 11.000 tấn thịt gà, hơn 2 triệu con gia súc, gia cầm và động vật khác. Riêng năm 2023, tổng sản lượng sản phẩm động vật xuất khẩu tăng 1,7% so với năm 2022, các sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng là sữa và sản phẩm sữa, thịt gà chế biến, thịt heo đông lạnh. Riêng sản phẩm mật ong có giảm nhẹ nhưng về tổng thể vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất.
Để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế về ATDB. Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) và các nước nhập khẩu, sản phẩm động vật xuất khẩu phải có nguồn gốc từ cơ sở, vùng ATDB. Hiện nay, Cục Thú y đang xây dựng các cơ sở, vùng ATDB trên gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn của WOAH/OIE.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, cho rằng, để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, các bộ, ngành liên quan và địa phương cần triển khai quyết liệt và đồng bộ việc ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần chú trọng xúc tiến thương mại, xây dựng vùng ATDB, kiểm soát tốt dịch bệnh, lựa chọn con giống, thức ăn, chuỗi chăn nuôi – giết mổ – chế biến sản phẩm,…
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, việc xây dựng vùng ATDB trong chăn nuôi không đơn giản. Ông Ramus Hansen, Giám đốc ngành thực phẩm Tập đoàn De Heus, chia sẻ: Hiện nay, xây dựng vùng ATDB có nhiều khó khăn do doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm trong việc phối hợp với cơ quan chuyên môn, quản lý cũng như kết nối những cơ sở ATDB với nhau, tuân thủ chung quy định của Nhà nước và yêu cầu của các tổ chức quốc tế. Do đó, Tập đoàn De Heus mong muốn ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện vùng ATDB theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT để tạo nền tảng pháp lý trong việc đàm phán với các đối tác; hướng dẫn cụ thể đối với yêu cầu thú y, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn của những nước hướng tới xuất khẩu, đặc biệt tiêu chuẩn của các nước Hồi giáo cũng như hỗ trợ thông tin về nước chấp nhận thịt gà xuất khẩu từ Việt Nam.
Thùy Khánh
(Tổng hợp)