Giá bò thịt hạ thấp kéo dài trong suốt năm qua khiến cho những người nuôi bò gặp khó, nhiều người đã phải giảm đàn chờ thị trường hồi phục.
Gần 4 năm kinh nghiệm chuyên nuôi bò vỗ béo, nhưng gần đây ông Nguyễn Văn Sáu ở xã An Phú, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã phải tạm nghỉ, chỉ còn nuôi 2 con bò cái sinh sản.
Ông Sáu cho hay: Hiện nay giá bò hơi bán ra chỉ được khoảng 75.000 đồng/kg, trong khi đó, chi phí nuôi vỗ béo khá tốn kém. Bình quân mỗi con bò nuôi vỗ béo mỗi ngày sẽ ăn hết 4 kg thức ăn hỗn hợp và khoảng 35 kg cỏ tươi. Sau 3 tháng, mỗi con bò sẽ tăng được khoảng 50 kg thịt, tương đương 4 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Bình quân mỗi tháng chi phí hơn 1 triệu đồng/con, trong khi đó chi phí đầu tư mua bò ban đầu lớn, rủi ro lại cao, chi phí để chăm sóc, vỗ béo cũng tốn rất nhiều khoản như thuốc tẩy giun, tiêm phòng vắc xin, thức ăn hỗn hợp, các loại khoáng chất, vitamin, cỏ rơm…
Theo ông Sáu, năm ngoái, khi giá bò còn cao, sau 3 tháng vỗ béo, 1 con mang lại lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng, chứ như nay thì mới đủ chi phí ngày công.
Giá bò hơi hạ thấp, không chỉ những người chuyên nuôi bò vỗ béo mà cả những hộ nuôi bò thịt, bò sinh sản đều gặp khó. Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Trước đây, mỗi con bê lai giống BBB hoặc Limousin 6 tháng tuổi thường bán từ 20 – 25 triệu đồng, thì nay chỉ được 15 – 17 triệu đồng.
Tương tự, mỗi con bò thịt sau thời gian nuôi từ 1,5 – 2 năm bán ra chỉ được 32 – 37 triệu đồng, giảm cả chục triệu đồng so với thời điểm đầu năm ngoái. Chính vì vậy nên sau lứa này, gia đình tôi sẽ bán bớt, chỉ giữ lại 3 con bò cái sinh sản để tận dụng nguồn cỏ, rơm rạ từ trồng lúa, coi như tiền để dành.
Trước tình hình giá bò hơi giảm kéo dài như hiện nay, nhiều người nuôi bò đang chọn cách giảm đàn và ngừng nuôi vỗ béo vì không có lợi nhuận tương xứng. Cộng với đó, nhiều người còn lơ là với việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn nuôi, khiến mức độ rủi ro càng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện tổng đàn bò toàn tỉnh có khoảng 164.300 con, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Trước tình hình chăn nuôi bò gặp khó, người chăn nuôi cần tăng cường tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò để giảm chi phí, đồng thời tích cực phòng ngừa dịch bệnh để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại.
Sơn Ca
Nguồn: Báo Phú Yên