Thừa Thiên – Huế: Nỗ lực đảm bảo an toàn thịt lợn ở các chợ

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với dự án “Sáng kiến Một sức khỏe” (OHI) của Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) đã triển khai biện pháp tích cực nhằm đảm bảo mức độ an toàn của thịt lợn tại các chợ và lò mổ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam có di sản ẩm thực phong phú, trong đó thịt lợn là món chính trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và các đối tác tiến hành khảo sát gần đây tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, mức độ ô nhiễm vi sinh tương đối cao, với hơn 60% mẫu thịt lợn từ các chợ truyền thống bị nhiễm khuẩn Salmonella. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hành động để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Sáng kiến Một sức khỏe

Tặng dụng cụ vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: ILRI

Trước thực trạng đó, OHI đã triển khai lấy mẫu ngẫu nhiên có kiểm soát tại 68 chợ truyền thống ở 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và Cần Thơ. Hoạt động khảo sát và lấy mẫu cho nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 10 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024. Dự án đã áp dụng phương pháp tiếp cận ba yếu tố, gồm xây dựng năng lực, vận động chính sách khuyến khích thay đổi hành vi, mong muốn đánh giá tính hiệu quả chiến lược này và đánh giá khả năng nhân rộng mô hình.

Sáng kiến Một sức khỏe

Chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng

Cuối tháng 10/2023, OHI bắt đầu các hoạt động can thiệp tại Thừa Thiên Huế. Các hoạt động đã triển khai bao gồm phỏng vấn sâu với các tác nhân trong chuỗi thịt lợn và tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh an toàn thực phẩm cho những người bán thịt lợn. Đợt tập huấn được tổ chức tại 6 chợ trên địa bàn, với gần 100 người bán thịt lợn, chủ yếu là phụ nữ đã tham gia. Dự án đã hỗ trợ cung cấp một số dụng cụ như thớt, dao, khay inox để tách nội tạng và thịt, nước sát khuẩn, rửa chén cho 30 quầy bán thịt lợn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các thực hành vệ sinh tốt.

Dự án nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp vệ sinh tốt đối với những người bán thịt lợn, tập trung vào ba nguyên tắc cơ bản, đó là duy trì bề mặt, dụng cụ sạch sẽ; tách thịt và nội tạng sống khỏi các sản phẩm đã nấu chín; đảm bảo vệ sinh tay đúng cách.

Dự án đã giới thiệu một chương trình đánh giá an toàn thực phẩm gắn sao, trao quyền cho người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt, đồng thời khuyến khích người bán hàng duy trì các thực hành tốt tại chợ. Một chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm hướng đến người tiêu dùng thịt lợn cũng được tiến hành nhằm nâng cao nhận thức về chương trình xếp hạng gắn sao và thực hành vệ sinh tốt trong chuỗi giá trị. Có 180 người tiêu dùng tham gia vào chiến dịch này với 960 tờ rơi được cấp phát.

Nhận thức được vai trò quan trọng của các lò mổ trong chuỗi cung ứng thực phẩm địa phương, Cục Thú y đang hợp tác với OHI để cải thiện các hoạt động tại lò mổ, dự kiến vào cuối năm nay. Kế hoạch này được triển khai theo Kế hoạch 158/KH-UBND ngày 12/4/2024 về việc xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2024 – 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án tập trung vào việc tăng cường vệ sinh lò mổ và tiêu chuẩn cơ sở để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, các bệnh do thực phẩm sẽ gây ra gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế và nền kinh tế địa phương. Việc thực hiện các biện pháp can thiệp hiệu quả để cải thiện an toàn thực phẩm có thể giảm tỷ lệ mắc các bệnh, giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và cuối cùng là nâng cao phúc lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh: “Cải thiện an toàn thực phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Điều này sẽ đóng góp cho ngành du lịch và sự thịnh vượng kinh tế của tỉnh nhà, vì người tiêu dùng và khách du lịch có nhiều khả năng mua những sản phẩm mà họ tin tưởng hơn”.

Bà Vũ Thị Phượng, Điều phối viên Quốc gia về Quan hệ Đối tác dự án OHI tại Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhấn mạnh: “OHI của CGIAR triển khai tại 5 tỉnh, thành, trong đó có Thừa Thiên Huế, phù hợp với mục tiêu quốc gia về tăng cường an toàn thực phẩm và nâng cao sức khỏe cộng đồng”.

Ông Fred Unger, đại diện khu vực phía Nam, Đông và Đông Nam Á của ILRI đánh giá: “Dự án OHI tại Thừa Thiên Huế thể hiện sức mạnh của sự hợp tác liên ngành trong việc giải quyết những thách thức phức tạp, như vấn đề an toàn thực phẩm. Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người tiêu dùng, cải thiện sinh kế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Dự án OHI giai đoạn 2022-2024 được đồng triển khai bởi ILRI, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD), Viện Thú y (NIVR) và Viện nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) và chính quyền địa phương tại 5 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai và Cần Thơ.

Thế Nhi
Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *