Một hợp tác xã chăn nuôi đã tập hợp nông dân, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ những dòng sữa trắng. Và, bên cạnh việc tăng thu nhập cho người nông dân nhờ bò sữa, hợp tác xã còn thực hiện việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.
Ông Lê Văn Thạnh, nông dân thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng là nông dân sản xuất giỏi, có kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa từ nhiều năm nay. Trang trại của ông hiện có xấp xỉ 70 con bò, gồm bê, bò hậu bị, bò cái đang cho sữa. Ông Thạnh cho biết, khu vực thôn Phú Thạnh, Bồng Lai của xã Hiệp Thạnh có nhiều bà con cùng chăn nuôi bò sữa. Vì vậy, năm 2021, ông Thạnh đã cùng bà con tập trung, thành lập hợp tác xã để liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa của nông dân. Được biết, hợp tác xã hiện có trên 40 nông hộ, trung bình, mỗi nông hộ nuôi từ 15 – 20 con bò. Với năng suất 18 – 20 kg sữa/ngày trên một bò mẹ cho sữa, năng suất sữa của thành viên hợp tác xã được xếp vào sản lượng tốt. Hợp tác xã đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sữa với Công ty thương mại Agrifood. Công ty đã đặt một trại thu mua sữa ngay tại địa phương, thu mua 100% sản lượng sữa của thành viên trong hợp tác xã. Ông Thạnh chia sẻ, nhờ khí hậu vùng Phú Thạnh, Bồng Lai phù hợp với bò sữa, kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc của nông hộ cũng rất tốt, sản lượng sữa ổn định, chất lượng sữa đảm bảo, doanh nghiệp thu mua sữa với nông dân đạt kết quả tốt, ổn định, bà con yên tâm sản xuất. Giá sữa của bà con luôn đạt từ 12-14 ngàn đồng/lít tuỳ chất lượng, độ khô, độ béo. Hợp tác xã cũng luôn nhắc nhở thành viên chăn nuôi an toàn, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép để đảm bảo chất lượng sữa đạt đúng hợp đồng đã ký kết. Thành viên của hợp tác xã cũng đang mở rộng, thu hút thêm nhiều nông hộ tham gia.
Khu nuôi trùn xử lý phân bò cho thành viên của Hợp tác xã 007
Không dừng lại ở việc thu mua sữa của thành viên cung cấp cho doanh nghiệp, Hợp tác xã Agrifood 007 đang thực hiện mô hình ứng dụng cao, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Hội Nông dân cơ sở đã chọn hộ ông Lê Văn Thạnh làm mô hình điểm về chăn nuôi, gắn với bảo vệ môi trường để nhân rộng đến các thành viên của hợp tác xã cũng như các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh cho biết, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã vận động và triển khai thực hiện Mô hình Nuôi trùn quế từ nguồn phân bò sữa tại hộ ông Lê Văn Thạnh. Năm 2022, ông Thạnh đã triển khai xây dựng chuồng trại, nuôi thử nghiệm trùn quế. Năm 2023, trang trại ông Lê Văn Thạnh phát triển thêm 400 m2. Với gần 1.000 m2 trại nuôi trùn quế, mỗi năm, trang trại có thể xử lý từ 480 đến 500 tấn phân bò tươi. Hầu hết lượng phân do đàn bò thải ra đã được khu chăn nuôi trùn quế xử lý sạch sẽ. Không chỉ xử lý lượng phân tại trang trại của gia đình, khu chăn nuôi trùn quế của trang trại còn thu mua hết lượng phân từ nhiều hộ trong hợp tác xã cũng như các nông hộ lân cận. Đồng thời, khu xử lý chăn nuôi trùn quế còn giải quyết 10 lao động chuyên phục vụ vận chuyển, chăm sóc.
Ông Dương Ngọc Vượng, nông dân chuyên canh tác khoai tây tại khu vực xã Hiệp Thạnh cho biết, trước đây, lượng phân tươi từ trang trại bò sữa cũng thường được thu và bán cho nông dân. Tuy nhiên, phân tươi nên chưa xử lý hết mầm bệnh cũng như có mùi rất khó chịu, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Bản thân ông, khi tham gia trồng trọt trong khu vực cũng gặp mùi. Hiện nay, trang trại của ông Lê Văn Thạnh cũng như một số bà con chăn nuôi bò đã sử dụng hết lượng phân tươi để nuôi trùn quế. Con trùn quế đã xử lý sạch sẽ lượng phân từ các trang trại bò sữa, sản xuất phân trùn quế chất lượng cao, dễ hấp thụ cho cây trồng. Như ông Vượng cũng đánh giá, sử dụng phân trùn quế để bón cho khoai tây, đất trồng khoai tơi xốp, hệ rễ, củ phát triển mạnh, sản lượng khoai tăng cao cũng như hình thức khoai đẹp. Ông Vượng nhận xét, việc sử dụng phân bò tươi chăn nuôi trùn quế đã giúp môi trường giảm thiểu ô nhiễm. Cũng vì vậy, mô hình các thành viên hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, xử lý phân bò bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả tốt đẹp.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng đánh giá, Mô hình hợp tác xã Agrifood 007 vừa liên kết tiêu thụ sản phẩm sữa tươi, vừa xử lý môi trường triệt để đã mang lại hiệu quả tốt cho kinh tế cũng như bảo vệ môi trường sống nông thôn. Đây là một mô hình hiệu quả, được Hội Nông dân vận động bà con tích cực tham gia, bảo vệ môi trường cũng như nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn bền vững.
Diệp Quỳnh
Nguồn: Báo Lâm Đồng