(Người Chăn Nuôi) – Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong việc bảo vệ môi trường, bởi hoạt động chăn nuôi phát thải ra một lượng chất thải rất lớn mỗi năm.
Nguồn thải khổng lồ từ chăn nuôi
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi heo chiếm 44,9%, chăn nuôi bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9%. Ngoài ra, chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước đạt 379 triệu m3 khối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Tại Báo cáo “Con đường hướng tới lượng khí thải thấp hơn” được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố tại COP28 vào năm 2015, các hệ thống nông sản chăn nuôi đã thải ra khoảng 6,2 tỷ tấn khí CO2 mỗi năm, bằng 12% tổng lượng phát thải do con người tạo ra. Số lượng khí thải CO2 cũng bằng 40% tổng lượng phát thải từ các hệ thống nông sản thực phẩm. Nếu không có sự can thiệp và tăng năng suất, hiệu quả sản xuất, lượng phát thải chăn nuôi toàn cầu có thể lên đến gần 9,1 tỷ tấn CO2 vào 2050. Ước tính về lượng phát thải các hoạt động sản xuất trong ngành chăn nuôi được tính tương đối như sau: heo chiếm 14%, gà chiếm 9%, trâu, bò chiếm 8% và động vật nhai lại nhỏ chiếm 7%. Xét theo mặt hàng, sản xuất thịt chiếm 2/3 lượng khí thải, sữa chiếm 30% và trứng chiếm phần còn lại.
Năm 2022, chăn nuôi bò sữa chiếm 4,9% tổng lượng chất thải chăn nuôi. Ảnh: ST
Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi) cho biết: Chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, đã và đang đóng góp đáng kể vào tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam.
“Kết quả kiểm kê cho thấy phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi heo luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành. Trong đó, phát thải khí metan từ phân động vật gây ra ở điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi heo thịt”, bà Hoa cho biết thêm.
Kiểm kê khí nhà kính cần có lộ trình
Sau cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã có văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ bao gồm Luật Chăn nuôi và các nghị định, các thông tư. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Đề án “Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi” là một trong 5 đề án trọng tâm của chiến lược, đòi hỏi các địa phương tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo hiệu quả, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Từ kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính của các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan,…bà Hoa cho rằng: Quản lý khí nhà kính và các yêu cầu báo cáo khí nhà kính của các quốc gia phát triển và đang phát triển luôn bao gồm các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp trong các giai đoạn phải báo cáo. Đây là yêu cầu của quá trình kiểm kê khí nhà kính theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.
Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cần thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: ST
Trong đó, các cơ sở chăn nuôi lớn được yêu cầu cung cấp số liệu hoặc lập báo cáo kiểm kê tùy thuộc phương thức quản lý của từng nước và hệ thống quản lý số liệu về phát thải khí nhà kính. Khi đã có các báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp sẽ có nhận thức được các cơ hội giảm phát thải ngay trong quá trình sản xuất của mình. Ví dụ như cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, quản lý chất thải chăn nuôi để làm phân compost, thu hồi biogas đốt phát điện đáp ứng một phần nhu cầu điện năng của cơ sở chăn nuôi,…
Để làm rõ hơn về vấn đề kiểm kê khí nhà kính, mới đây Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã làm việc với Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các doanh nghiệp, Hiệp hội chăn nuôi liên quan. Một số doanh nghiệp chăn nuôi phản ánh “kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước”. Qua lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Dẫu biết đây là một vấn đề mới nhưng lại là một phần không thể thiếu và rất quan trọng trong tiến trình đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Cũng theo Thứ trưởng, việc bán tín chỉ carbon là câu chuyện dài hơi. Do vậy việc bán thế nào, bán cho ai thì rất cần đến sự cân đối ở quy mô quốc gia. Riêng về kiểm kê khí nhà kính, Thứ trưởng cho rằng: Vấn đề xu hướng phát triển xanh đang phát triển ở mức độ toàn cầu, do đó đây là việc phải làm, nhưng trước mắt cần làm rõ về phương pháp đo, xác định các tổ chức… Chỉ đạo chung về kiểm kê khí nhà kính, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để làm được điều đó, trước tiên cần hiểu được thực trạng và xây dựng lộ trình cụ thể cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng cần tiên phong đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai kiểm kê khí nhà kính một cách hiệu quả.
Minh Khuê
(Tổng hợp)