Từ đầu năm 2024 đến nay, giá cả nhiều sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao và tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế này đang khiến các hộ, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh thua lỗ.
Giá trứng gia cầm giảm
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, hiện tổng đàn heo toàn tỉnh hơn 105.000 con; đàn trâu, bò hơn 123.000 con; đàn gia cầm khoảng 10 triệu con. Trong quí I/2024, tình hình chăn nuôi ổn định, chỉ xảy ra vài ổ dịch nhỏ, lẻ và đã khống chế kịp thời nên không xảy ra trên diện rộng, sản phẩm chăn nuôi cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu thụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Giá bán sản phẩm chăn nuôi như heo, gà, vịt trong quý cao hơn so cùng kỳ, riêng giá bò và sản phẩm trứng gia cầm lại giảm so cùng kỳ.
Hiện giá trứng gà từ 14.000-16.000 đồng/chục, giá trứng vịt từ 26.000-28.000 đồng/chục, giá trứng cút 8.000 đồng/chục. Các mức giá này giảm từ 7.000-10.000 đồng/chục so với trước Tết Nguyên đán.
Người nuôi gà lấy trứng thường xuyên vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh
Theo nhiều người nuôi gà lấy trứng, thời gian qua, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn từ dịch bệnh, giá thức ăn tăng, giá con giống tăng, giá trứng giảm,… Trong đó, giá trứng gà đã liên tục giảm từ tháng 12/2023 đến nay và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Đức Lợi (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Tôi nuôi hơn 8.000 con gà lấy trứng, mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 6.000 trứng. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá trứng gà nằm ở mức từ 22.000-25.000 đồng/chục thì nay đã xuống dưới 20.000 đồng/chục, với giá này thì tôi chỉ trang trải đủ tiền thức ăn, không đủ để chi trả cho các khoản như điện, nhân công,…”.
Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà lấy trứng, ông Nguyễn Văn Cưng (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) cho biết, mọi năm, sau Tết Nguyên đán, giá trứng thường giảm nhưng đến tầm Rằm tháng Giêng, khi các công ty, trường học, bếp ăn tập thể,… hoạt động trở lại thì giá trứng lại tăng.
Tuy nhiên, đến nay, khi đã gần hết tháng 02 Âm lịch mà giá trứng vẫn không có dấu hiệu tăng. “Nguyên nhân được thương lái đưa ra khi thu mua trứng với giá thấp là do nguồn cung cấp trứng trên thị trường đang rất dồi dào và trứng cũng đang được tiêu thụ rất chậm so với trước Tết Nguyên đán” – ông Cưng nói.
Bà Trần Thị Nhỏ (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) bộc bạch: “Hiện tôi nuôi hơn 3.000 con gà lấy trứng. Với giá cả như hiện nay, nhiều khả năng tôi phải bán bớt đàn gà để giảm tiền thức ăn. Hy vọng giá trứng gà sẽ tăng trở lại”.
Cần chủ động phòng, chống dịch bệnh
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 ổ dịch tả heo châu Phi tại 35 hộ thuộc 20 xã của 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa với tổng số heo tiêu hủy là 973 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 47.926,3kg.
Các địa phương tập trung tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo
Từ đầu năm đến nay, bệnh dại xảy ra 5 trường hợp trên chó tại huyện Đức Hòa và huyện Tân Hưng; ngoài ra, trên người ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại thị trấn Tân Hưng và xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng vào đầu tháng 02/2024 và 1 ca nghi dại trên người tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng.
Về bệnh cúm gia cầm, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra tại 1 hộ thuộc xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa với tổng số gia cầm tiêu hủy 2.010 con (gồm 2.000 con chim cút và 10 con đà điểu).
Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, trong quí I/2024 (tính đến ngày 19/3/2023), ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai tiêm phòng 16.328 liều vắc-xin lở mồm long móng; 3.545 liều vắc-xin heo tai xanh; 46.057 liều vắc-xin dại; 6.640 liều vắc-xin viêm da nổi cục và 466.110 liều vắc-xin cúm gia cầm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh – Lê Thị Mai Khanh thông tin: “Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn chiếm số lượng lớn; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học chưa được thực hiện rộng rãi; một số hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh theo quy trình được khuyến cáo; điều kiện thời tiết bất lợi;…
Những yếu tố này đang đe dọa sức khỏe đàn gia cầm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh. Do đó, người chăn nuôi cần chủ động bảo vệ đàn vật nuôi bằng các biện pháp như vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi thường xuyên; cung cấp thêm các loại vitamin vào khẩu phần ăn cho gia cầm; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bất thường cần báo ngay với lực lượng thú y địa phương;…”./.
Bùi Tùng
Nguồn: Báo Long An