Trên thị trường hiện nay, giá trứng gia cầm giảm sâu do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng hạn chế. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp hạn chế tình trạng giá trứng giảm mạnh, bảo đảm cho người sản xuất có lãi là gì?
Thời gian gần đây, ở nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Tô Hiệu (quận Hà Đông), Nguyễn Chí Thanh, Trung Kính (Cầu Giấy)… xuất hiện các điểm “giải cứu” trứng gà với giá chỉ 65.000 đồng/30 quả. Như vậy tính ra giá trứng chỉ hơn 2.000 đồng/quả.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ), tại các trang trại ngày 16-3, thương lái thu mua với giá khoảng 1.400 – 1.500 đồng/quả trứng. Với giá này, nông dân cầm chắc thua lỗ.
Nguyên nhân giá trứng gia cầm giảm mạnh thời điểm này là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến nguồn cung dồi dào cùng hiện tượng thời tiết miền Bắc nồm ẩm, hầu hết trang trại chăn nuôi nhỏ không có kho lạnh bảo quản nên phải xuất bán ồ ạt…
Trái ngược với hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ đang gặp khó khăn về tiêu thụ thì tại các trang trại tham gia chuỗi liên kết, giá trứng gia cầm cơ bản ổn định. Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, để cung cấp nguồn trứng sạch cho thị trường, Công ty liên kết với 30 trang trại vệ tinh trên địa bàn huyện Chương Mỹ, quy mô chăn nuôi khoảng 120.000 gà đẻ.
Ngoài ra, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trứng gà sạch, Công ty đầu tư hạ tầng khu sơ chế, đóng gói sản phẩm công suất 200.000 quả/ngày. Như vậy mỗi tháng, doanh nghiệp bán ra thị trường hơn 2 triệu quả trứng, cung cấp cho khoảng 100 đối tác là công ty, siêu thị, nhà hàng trong và ngoài Thủ đô Hà Nội. Do nguồn cung ổn định nên Công ty vẫn thu mua giá trứng ổn định cho người dân mà đơn vị đã có hợp đồng liên kết…
Các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ gặp khó khăn về tiêu thụ.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng khẳng định, tình trạng một số điểm trưng biển “giải cứu” trứng chỉ là cá biệt do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có liên kết tiêu thụ, không có hệ thống bảo quản. Còn đối với trang trại chăn nuôi trứng gia cầm tập trung và liên kết theo chuỗi thì việc tiêu thụ ổn định.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá trứng gia cầm giảm mạnh chủ yếu do nguồn cung dồi dào nhưng không đến mức phải “giải cứu”. Việc các tiểu thương dùng biển hiệu, băng rôn “giải cứu” là chiêu trò câu khách nhằm bán trứng với số lượng lớn.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết cùng biến động của thị trường tiêu thụ khiến ngành chăn nuôi gia cầm (trong đó có sản phẩm trứng) gặp nhiều rủi ro.
Do đó, để chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng phát triển ổn định, tránh tình trạng “được mùa – mất giá”, các địa phương khuyến khích chăn nuôi trang trại tập trung xa khu dân cư, đầu tư đồng bộ từ xây dựng chuồng trại đến kho bảo quản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm ổn định. Việc này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi mà còn giúp các trang trại giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường…
Các doanh nghiệp cung ứng trứng gà tiêu thụ ổn định nhờ liên kết chuỗi.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để tránh tình trạng “được mùa – mất giá” trong chăn nuôi nói chung và gia cầm, trứng gia cầm nói riêng, Hà Nội khuyến khích chăn nuôi tập trung tại các vùng đã được quy hoạch; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia cầm tại các khu vực không được phép…
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm để giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ hợp tác xã, người dân đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm với doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể…
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới