Tính hiệu quả, an toàn của vắc xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) do Việt Nam sản xuất đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, việc tiêm phòng đại trà vẫn còn gặp nhiều trở ngại, trong đó giá thành vắc xin đang là rào cản với người chăn nuôi tại Quảng Ngãi.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Võ Thanh Xuân, ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) chia sẻ, cuối năm 2023, tôi tham gia chương trình tiêm thử nghiệm vắc xin cho đàn heo để phòng, chống dịch ASF. Vì đây là vắc xin mới, lại chưa có hộ dân nào ở xã tiêm phòng nên lúc đầu tôi cũng lo những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng qua theo dõi, đàn heo được tiêm vắc xin vẫn khỏe mạnh và phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của tôi, người chăn nuôi phải nắm bắt chính xác tình trạng sức khỏe của heo và heo phải được xét nghiệm trước khi tiêm, để đảm bảo an toàn sau tiêm. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng phải đảm bảo đúng, đủ liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau khi tiêm xong phải cho heo uống chất điện giải để chống sốt trong vòng 15 ngày. Nhờ cách làm này mà sau khi tiêm, đàn heo nhà tôi cơ bản thích ứng tốt, chỉ có một vài con bị sốt nhẹ.
Cùng với tiêm vắc xin phòng bệnh, việc chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp then chốt trong phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Cuối năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng VI và chính quyền xã Tịnh Hiệp và thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) tổ chức tiêm phòng “trình diễn” 27 liều vắc xin Avac asf live cho 3 đàn heo (27 con) của 3 cơ sở chăn nuôi. Kết quả cho thấy, sau 28 ngày tiêm vắc xin phòng bệnh, tất cả đàn heo đều khỏe mạnh và sinh trưởng bình thường, đáp ứng miễn dịch kháng sinh thể cao. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung cho rằng, năm 2023, dịch ASF xảy ra tại 23 cơ sở chăn nuôi của 17 xã thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố; làm chết và tiêu hủy 487 con heo. Từ đầu năm đến nay, dịch ASF giảm nhưng vi rút gây bệnh này vẫn tồn tại trong môi trường, nguy cơ bệnh xuất hiện gây hại cao. Vì bệnh ASF chưa có thuốc điều trị, nên tiêm phòng là giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch lây lan và bùng phát.
Băn khoăn về giá
Dù biết tiêm vắc xin là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, nhưng phần lớn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn dè dặt trong việc tiêm phòng, phần vì vắc xin mới, giá cao; phần do chính sách hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng chưa rõ ràng.
Ông Trần Võ, ở thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) chia sẻ, nông dân tốn tiền xét nghiệm và mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn heo, nhưng còn thấp thỏm, lo lắng thiệt hại nếu nhỡ có rủi ro xảy ra. Vì vậy, chúng tôi chưa mạnh dạn mua vắc xin để tiêm phòng cho đàn heo.
Để người chăn nuôi tiếp cận được nguồn vắn xin với giá cả phù hợp, chính quyền các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt, bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương trong năm 2024, trong đó có việc bố trí kinh phí mua vắc xin phòng chống bệnh ASF. Qua đó, sớm triển khai tiêm phòng cho đàn heo trên diện rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dịch ASF đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung cho biết, thời gian qua, Chi cục triển khai thực hiện các bước tiêm thận trọng, từ diện hẹp rồi đánh giá, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó ban hành hướng dẫn một số nội dung kỹ thuật trong tiêm phòng vắc xin ASF trước khi nhân rộng, tiêm phòng đại trà. Thời gian đến, Chi cục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin ASF, gắn với đảm bảo các điều kiện tổ chức tiêm phòng.
Bài, ảnh: Mỹ Hoa
Nguồn: Báo Quảng Ngãi