“Người nào nuôi ong cũng đều mong giữ rừng, bởi còn rừng thì còn nghề nuôi ong”. Anh Phùng Thanh Tiến (trong ảnh), thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Tuyên Quang) kể về nghề nuôi ong như thế.
Duyên nghề
Nhắc đến xã Sơn Phú là người ta nghĩ đến mật ong rừng. Thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất này sự đa dạng sinh học, ong khắp nơi kéo về đây làm tổ đến mức chỉ cần lên rừng một buổi sáng là người dân có vài lít mật mang về.
Trong căn nhà sàn 2 tầng bằng gỗ nằm cạnh Quốc lộ 279, anh Phùng Thanh Tiến, người đầu tiên có công mang nghề nuôi ong về địa phương đang hỳ hụi đóng thêm 20 chiếc thùng để chuẩn bị tách đàn vào dịp sau Tết Âm lịch. Anh Tiến kể, năm 2003, khi dự án Bảo tồn loài voọc mũi hếch được triển khai tại huyện Na Hang, để giúp người dân yên tâm sản xuất, dự án cũng mở các lớp dạy nghề nuôi ong. Anh Tiến cũng là người duy nhất ở xã Sơn Phú đi học tập cách nuôi ong lấy mật. Xưa kia con ong sống tự nhiên, giờ mang ong về cùng với con người chăm sóc và lấy mật là việc vô cùng lạ lẫm và nhiều khó khăn.
Sau hơn 1 tháng theo học, anh Tiến tự mày mò cách đóng thùng để ong làm tổ, lên rừng bắt ong về nuôi tại gia đình. Anh Tiến kể, năm 2005, anh có trong tay 12 đàn ong, có lượng mật ổn định bán ra thị trường. Nhưng chỉ đến giữa năm đó, trời mưa không ngớt khoảng 20 ngày, ong đói không có thức ăn cộng thêm môi trường ẩm ướt nhiễm bệnh thối ấu trùng, sau 10 ngày không còn tổ nào ở lại.
Anh Phùng Thanh Tiến.
Ngày xưa chưa có Internet như bây giờ, hành trình đi học hỏi kinh nghiệm để nuôi ong vô cùng vất vả và gian nan. Mãi sau anh được một người quen ở dưới thành phố Tuyên Quang dạy kỹ thuật bổ sung phấn hoa cho ong vào thời kỳ khan hiếm thức ăn, cách lược bỏ cầu để tổ đỡ ẩm ướt, cách phòng bệnh thối ấu trùng… Anh Tiến quyết định làm lại.
Năm 2006, anh Tiến dồn toàn bộ vốn hơn 30 triệu đồng về thành phố Tuyên Quang mua 40 đàn ong giống. Người dân thôn Nà Lạ khi ấy thấy anh Tiến quyết tâm làm kinh tế từ ong ai cũng tỏ ra lạ lẫm, họ xì xào, nuôi cái giống di cư tự do không khác gì đánh cược, chẳng có gì chắc chắn. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha, thanh niên Phùng Thanh Tiến vẫn kiên định với nghề. Cao điểm như năm 2010, với hơn 50 đàn ong, mỗi năm cho anh thu nhập khoảng 130 triệu đồng.
Người dân xã Sơn Phú (Na Hang) ngày càng quan tâm đến nghề nuôi ong lấy mật.
Thành lập Hợp tác xã
Thấy anh Tiến nuôi ong có hiệu quả, người dân xã Sơn Phú dần học theo. Đến năm 2012, toàn xã có trên 20 hộ nuôi ong quy mô từ 10 đàn trở lên, thu nhập người dân từng bước ổn định.
Năm 2014, xuất phát từ ý tưởng mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Tiến đứng ra thành lập nhóm nuôi ong xã Sơn Phú với 14 thành viên. Là trưởng nhóm, anh Tiến tự nhận trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, đến năm 2015 nhóm đã có 150 đàn ong, mỗi năm cho thu khoảng hơn 800 lít mật, doanh thu hơn 200 triệu đồng.
Ngày xưa, người dân xã Sơn Phú loay hoay đủ nghề vẫn không đủ ăn, đa số chỉ làm kinh tế nông nghiệp, các dự án trồng cây cà phê, trồng mận tam hoa đều thất bại. Nghề nuôi ong lấy mật như một luồng gió mới thổi đến nơi đây. Anh Tiến tự hào, đầu tư 1 đàn ong hết khoảng 800.000 đồng, mỗi năm thu khoảng 10 lít mật, với giá bán 300.000 đ/lít như hiện nay chỉ sau vụ đầu tiên đã hoàn vốn và có lãi, ít công chăm sóc, vẫn bảo vệ được rừng và hệ sinh thái.
Chất lượng mật ong Sơn Phú tuy được đánh giá cao, nhưng không mẫu mã, không định danh sản phẩm nên về lâu dài sẽ là trở ngại. Năm 2022, sau khi xin ý kiến chính quyền xã, anh Tiến cùng 10 hộ dân đã thống nhất thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Việt Phú với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là mật ong. Các thành viên HTX phải tự nâng cao ý thức trong chăn nuôi, cũng vì thế số lượng đàn ong ngày càng tăng, đến cuối năm 2023 có khoảng 230 đàn, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 500 triệu đồng.
Thương hiệu mật ong Sơn Phú hiện được cấp chứng nhận OCOP 3 sao ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Chị Dương Thị Thu, thôn Bản Dạ, Giám đốc HTX chia sẻ, khi mới thành lập tuy nhiều khó khăn về quảng bá thương hiệu, nhãn mác hàng hóa, nhưng các thành viên đều là người có kinh nghiệm nuôi ong lâu năm nên việc thực hiện và cam kết số lượng với khách hàng khá thuận lợi. Nhất là khi sản phẩm mật ong đạt OCOP 3 sao thì lượng tiêu thụ mật càng được nhiều bạn hàng tìm đến.
Có trong tay 40 đàn ong, gia đình anh Chúc Càn Sai, thôn Nà Mu là hộ có sản lượng mật đứng “top” trong HTX. Anh Sai tự nhận là người kém may mắn, làm gì cũng thất bại, chỉ có duy nhất nuôi ong là thành công. Năm 2018, được anh Phùng Thanh Tiến tư vấn, anh Sai bắt đầu từ 3 đàn ong rồi phát triển dần và giờ nuôi ong là hướng làm kinh tế chính của gia đình. Hiện mỗi năm thu khoảng 400 lít mật, trừ chi phí cũng lãi 100 triệu đồng. Anh Sai vui lắm vì chọn được nghề và xác định sẽ gắn bó lâu dài.
Cầm chai mật ong của HTX trên tay, anh Phùng Thanh Tiến bảo, chúng tôi mới được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ một phần mua máy hạ thủy phần mật ong trị giá 250 triệu đồng. Về tương lai, mật ong Sơn Phú sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, bởi kết quả kiểm nghiệm không có nơi nào hàm lượng Vitamin B2 nhiều như mật ong nơi đây.
Đồng chí Hà Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi, tiềm năng lớn nhưng nghề nuôi ong mới chỉ bắt đầu. Lãnh đạo huyện, xã rất khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi ong dưới tán rừng. Vừa bảo vệ rừng, làm kinh tế và góp phần đa dạng sinh học. Năm nay, sản phẩm mật ong của Sơn Phú dự kiến sẽ lên OCOP 4 sao, nếu thành công thương hiệu sẽ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Nguồn: Báo Tuyên Quang