(Người Chăn Nuôi) – Trải qua một năm đầy khó khăn, trong khi các ngành nghề khác chật vật tìm giải pháp vượt chông gai thì ngành chăn nuôi vẫn vững vàng tăng trưởng. Đây là nỗ lực của toàn ngành, của các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và nắm bắt được xu hướng phát triển chung của thế giới.
Ấn tượng 2023
2023 là năm mà ngành chăn nuôi thực sự chứng minh được vị thế trong nền nông nghiệp nước nhà, cả giá trị sản xuất lẫn xuất khẩu với mức tăng trưởng dương khả quan và những dấu mốc mới.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Tính đến tháng 12/2023, ước tính tổng số đàn heo đạt 26,3 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu heo con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 0,6%; đàn gia cầm 558,9 triệu con, tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
Về sản lượng, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt kỷ lục mới với 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022. Sản lượng trứng đạt 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%.
Về xuất khẩu, năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.
Phát biểu tại buổi tổng kết ngành chăn nuôi năm 2023, TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, nhấn mạnh ngành chăn nuôi năm 2023 có 4 điểm sáng.
Thứ nhất, mặc dù bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra toàn cầu nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì đà tăng trưởng khi nhiều ngành khác sụt giảm. Thứ hai, xu thế chăn nuôi tại Việt Nam theo quy mô lớn và công nghệ cao càng ngày càng phát triển. Thứ ba, mặc dù số lượng chưa nhiều so với ngành hàng nông nghiệp khác nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi đã ghi nhận tăng cao. Và cuối cùng là việc ngành chăn nuôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, góp phần vào tăng trưởng của các ngành hàng khác.
Những mô hình chăn thả tự do đang ngày càng được quan tâm. Ảnh: ST.
Thay đổi từ quyết sách
Ngành chăn nuôi Việt Nam có không gian phát triển rất rộng, tuy nhiên, sự phụ thuộc của ngành hàng này lớn nên dẫn đến thiếu tự chủ và dễ bị tổn thương. Hiện nay, hầu hết các vấn đề quan trọng trong chăn nuôi của nước ta như con giống, thức ăn, dinh dưỡng… đều phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến cho sự phát triển của ngành hàng bị động và không thể khống chế được chi phí. Đây chính là một phần nguyên nhân khiến cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước khác, thậm chí gặp khó ngay tại thị trường trong nước.
Chính vì thế, việc thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đặc biệt được coi trọng. Năm 2023, nhiều quyết sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi đã ra đời.
Ngày 15/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030. Mục tiêu phát huy tiềm năng sẵn có, tăng cường hơn nữa năng lực sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Tiếp đó, ngày 30/12/2023, Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 cũng chính thức được phê duyệt tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ban hành. Mục tiêu chung là nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Cùng đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu.
Cũng trong ngày 30/12/2023, Đề án Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi đến năm 2030 cũng được phê duyệt tại Quyết định 1741/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực sản xuất giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, giống vật nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu sản xuất chăn nuôi trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Cụ thể, đến năm 2030, nước ta có thể chủ động sản xuất được nguồn giống vật nuôi chủ lực cấp bố mẹ và con thương phẩm có năng suất, giảm nhập khẩu các giống vật nuôi chủ lực: đáp ứng tối thiểu 90% nhu cầu giống heo, 80% nhu cầu giống gà, 100% giống vịt, 70% giống bò thịt…
Ba Đề án này khi đi vào thực hiện sẽ bù đắp được gần như các “lỗ hổng” của ngành chăn nuôi hiện nay, mang đến hy vọng cho ngành hàng này trong tương lai.
Thích ứng với thời cuộc
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2023, ngành chăn nuôi phát triển tốt, đã hình thành được vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghiệp. Hiện, không chỉ doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng thực hiện chăn nuôi công nghiệp. Cũng theo Thứ trưởng Tiến, điều quan trọng là cần quản lý tốt vùng chăn nuôi. Bởi nếu các địa phương hình thành các vùng chăn nuôi tập trung nhưng việc phân vùng, phân luồng không tốt thì khi một đơn vị dính dịch sẽ kéo các vùng khác bị theo.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, ngành chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng; phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh; từng bước thay thế mô hình sản xuất gia công giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc đầu vào và đầu ra…
Hiện nay, trên thế giới, mô hình chăn nuôi nhân đạo ngày một phát triển. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm được chăn nuôi nhân đạo cũng đang mở rộng.
Bắt kịp xu hướng đó, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu sẽ có khoảng 20% gà được chăn nuôi nhân đạo. Ngoài ra, heo cũng được xem xét đưa vào chăn nuôi theo tiêu chuẩn này. Cùng đó, nhiều doanh cũng chủ động liên kết với các trang trại lớn để chuyển đổi dần sang mô hình chăn nuôi nhân đạo với động vật, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Bởi theo bà Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay một số quốc gia muốn xuất khẩu được sản phẩm từ động vật phải có chứng nhận đối xử nhân đạo với động vật.
Phan Thảo