(Người Chăn Nuôi) – Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đang từng bước vững chắc tiến ra thị trường thế giới, tuy vậy, ngành chăn nuôi vẫn cần sự đầu tư quan tâm nhiều hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo để phát huy hết tiềm năng, lợi thế.
Duy trì tăng trưởng bền vững
2024 là năm kinh tế thế giới đối mặt nhiều khó khăn do chiến tranh xung đột lan ra trên diện rộng, người dân các nước đều thắt lưng buộc bụng tiết giảm chi tiêu, các quốc gia hạn chế nhập khẩu. Trong khi giá cả sản phẩm ngành nông nghiệp trên thị trường có xu hướng giảm thì chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao.
Trong điều kiện khó khăn chung, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tốt và có những kết quả ấn tượng.
Thành công này đến được là nhờ ngành chăn nuôi Việt Nam đã có bước phát triển dài hơi, trong đó có chiến lược kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đồng thời, trong 10 năm qua, các địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ nuôi trồng, chế biến theo hướng xuất khẩu.
Theo con số thống kê trong 11 tháng của năm 2023, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 402 triệu USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái). Xuất khẩu thịt gia cầm đạt hơn 4.000 tấn, trị giá 10,55 triệu USD; tăng 250% về lượng và tăng 315,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022…
Ngành chăn nuôi Việt Nam phấn đấu mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: VGP/Minh Thi
Hiện nay, sản phẩm thịt gà Việt Nam đã được xuất khẩu đến hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Nga, Kazakhstan, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Hồng Kông (Trung Quốc). Thịt heo sữa đông lạnh, trứng gia cầm qua chế biến (trứng vịt muối, trứng chim cút…) đã được xuất khẩu đến Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Lào. Đây là những bước đệm quan trọng cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi vươn xa trong những năm tới.
Ngành chăn nuôi Việt Nam phấn đấu duy trì tăng trưởng, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm xuất khẩu. Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2023, tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.
Xây dựng thương hiệu mạnh
Những năm gần đây, ngành sữa Việt Nam ngày càng phát triển nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện, nhiều sản phẩm sữa của nước ta khẳng định vị trí nhất định trên trường quốc tế.
Kết quả kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 của Vinamilk cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 44.848 tỷ đồng và 6.669 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 71% và 77% kế hoạch năm. Thị trường nước ngoài đóng góp 2.384 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III và 7.218 tỷ đồng lũy kế 9 tháng. Mảng xuất khẩu, doanh thu thuần trong quý III đạt 1.246 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý III/2023 đạt 2.533 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2022 và đạt mức cao nhất kể từ sau quý III/2021.
Theo Brand Finance, Vinamilk dẫn đầu Top 10 thương hiệu có tính bền vững cao nhất Việt Nam và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt Top 5 Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu, vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành sữa thế giới.
Giá trị thương hiệu thăng hạng lên mốc 3 tỷ USD giúp Vinamilk duy trì vị trí thứ 6 trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và Top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa. Vinamilk cũng được xác nhận là Thương hiệu thực phẩm giá trị nhất Đông Nam Á.
Với TH true MILK , sau khi các sản phẩm sữa tươi TH true MILK chiếm 45% thị phần sữa tươi tại Việt Nam, doanh nghiệp này đã mở rộng thị trường ra Trung Quốc, các nước ASEAN và Liên bang Nga. Từ tháng 10/2019, TH xuất khẩu chính ngạch sữa tươi vào thị trường Trung Quốc. Tháng 2/2022, gia nhập hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu Singapore.
Với sản phẩm gà, năm 2023, doanh số xuất khẩu của nhà máy CPV Food Bình Phước (thuộc C.P. Việt Nam) tăng hơn 3 lần so với năm 2021, trong đó phần lớn doanh số đến từ thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, còn có các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Campuchia…
Kế hoạch từ năm 2024, nhà máy CPV Food Bình Phước hướng tới mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu lên đến 200 triệu USD mỗi năm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông…
Hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh
Với sản phẩm xuất khẩu, vấn đề then chốt là giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, giá ngô nhập khẩu trung bình 11 tháng đầu năm 2023 ở mức khoảng 301 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; giá đậu tương nhập khẩu cũng giảm 8,9%, đạt 633,5 USD/tấn; giá lúa mỳ thấp hơn gần 11,4%, ở mức trung bình là 342 USD/tấn.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi giảm giá 5 đợt liên tiếp. Đây là những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhìn chung giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn rất cao so với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Năm 2024, báo cáo cho thấy các nước Nam Mỹ, nhất là tại Brazil và Argentina – hai thị trường cung cấp đậu tương và ngô lớn nhất của Việt Nam có nguy cơ mất mùa do ảnh hưởng từ thời tiết, có thể dẫn đến việc giá cả đầu vào của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng trở lại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ đã và đang chỉ đạo các tập đoàn, các địa phương, đặc biệt tập trung vào các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng vùng nguyên liệu sắn, ngô, đậu tương. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá thời cơ hiện nay là cơ hội vàng cho ngành chăn nuôi khi nông sản của Việt Nam có tới gần 200 thị trường nhờ các hiệp định thương mại được ký kết và thực thi.
Cả nước hiện có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh và con số này chắc chắn sẽ tăng lên trong năm 2024, giúp tăng cường nội lực đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu và xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguyên Anh