(Người Chăn Nuôi) – Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam với Báo chí sau chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc mới đây.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Đây là thành quả từ sự tích cực, chủ động của Việt Nam sau khi xây dựng được nhiều vùng an toàn dịch bệnh và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang những thị trường khó tính. Hiện, đơn vị chức năng hai bên đang phối hợp chặt chẽ, khẩn trương làm các thủ tục cần thiết để dỡ bỏ lệnh cấm.
Ngày 22/01/2023, Thứ trưởng Trần Thanh Nam trao đổi với báo chí về kết quả chuyến công tác tại Trung Quốc. Ảnh: Văn Giang
Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn với hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu về thực phẩm trong đó có các sản phẩm chăn nuôi rất cao. Việc nước này xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Trước đó, ngày 20/2/2012, Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch và Giám sát chất lượng nhà nước Trung Quốc đã gửi thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Việt Nam do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại Việt Nam diễn biến phức tạp.
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh là bước đệm quan trọng hướng đến xuất khẩu. Ảnh: ST
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết: Để các nước, trong đó có Trung Quốc, gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm thì Cục Thú y phải nỗ lực rất lớn trong việc trao đổi, đàm phán thú y và cung cấp các tài liệu về kết quả phòng, chống giám sát bệnh cúm gia cầm của Việt Nam. Thời gian qua, Cục Thú y và các địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia về phòng, chống bệnh cúm gia cầm, hợp tác với các tổ chức quốc tế chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó kịp thời đối với bệnh cúm gia cầm, đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm, tổ chức thông tin, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Riêng trong năm 2023, cả nước chỉ xảy ra 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con. So với cùng kỳ năm ngoái, số ổ dịch giảm 59%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 64%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm.
Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm nói riêng, động vật, sản phẩm động vật nói chung, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa, tập trung, hợp tác, hỗ trợ để tổ chức xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chủ động giám sát, cảnh báo và ứng phó dịch bệnh.
Thùy Khánh