Chuyện “vụ lợn” Tết

Những tháng gần đây, nhiều hộ gia đình ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thường í ới gọi nhau cùng lên rừng chặt chuối, hái rau về nấu cho đàn lợn của gia đình mình ăn nhằm “vỗ béo” để mau chóng xuất chuồng, kiếm tiền mua sắm Tết. Điều đặc biệt, đây là “vụ lợn” đón Tết đầu tiên của người dân bản Phú Minh được áp dụng theo phương thức nuôi ở chuồng trại chứ không còn theo hướng thả rong như trước đây.

Bản Phú Minh hiện có 39 hộ, với 172 nhân khẩu (trong đó có 19 hộ người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Rục và Sách). Do đời sống kinh tế còn lắm khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, vốn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt khá lạc hậu…nên trước đây, hầu hết bà con ở Phú Minh thường chăn nuôi gia súc theo hướng nhỏ lẻ, thả rông, chuồng trại thường được thưng che tạm bợ, sơ sài, thiếu chủ động về nguồn thức ăn cho vật nuôi. Bởi thế, năng suất, chất lượng, hiệu quả của đàn gia súc ở địa phương thường không đạt cao, dịch bệnh ở đàn gia súc cũng thường xuyên xảy ra.

Tháng 6/2023, Báo Quảng Bình đăng bài “Xã Thượng Hóa (Minh Hóa): Đua nhau xây chuồng, đợi hỗ trợ lợn giống do…hiểu nhầm!”, phản ánh việc nhiều hộ dân tại bản Phú Minh và thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa do hiểu nhầm đã tự bỏ tiền túi, thậm chí đi vay để đầu tư xây chuồng, đợi được hỗ trợ lợn giống để phát triển chăn nuôi hộ gia đình.

vụ lợn Tết

Người dân bản Phú Minh chú trọng “vỗ béo” đàn lợn để kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán.

Trước thực tế đó, tháng 8/2023, từ nguồn vốn giảm nghèo, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa đã phân bổ, hỗ trợ cho 26 hộ dân ở bản Phú Minh mô hình lợn lai kinh tế thương phẩm để nuôi với tổng số lợn hỗ trợ là 107 con (bình quân mỗi con lợn có trọng lượng từ 12 kg trở lên). Chính nhờ được hỗ trợ lợn giống và được tập huấn về kiến thức chăn nuôi, các hộ dân ở bản Phú Minh đã biết cách trồng các loại rau xanh trong vườn nhà để làm nguồn thức ăn cho đàn lợn của gia đình. Ngoài ra, nhiều hộ còn vào rừng để lấy thêm cây chuối rừng, các loại rau về nấu cho đàn lợnăn để hạn chế tiền mua thức ăn, giảm chi phí đầu tư chăn nuôi.

Anh Trần Xuân Linh (SN 1994) và vợ Nguyễn Thị Lệ (SN 1995) đều là người Rục, thuộc diện hộ nghèo tâm sự: Hai vợ chồng cưới nhau và sinh được 2 người con, hiện các con đều đang trong độ tuổi ăn học. Do xuất phát điểm gần như tay trắng, công việc làm thuê thiếu ổn định nên hầu hết số tiền làm ra chỉ đủ cho bữa ăn hàng ngày và nuôi con ăn học. Mới rồi, nhờ được cấp trên quan tâm hỗ trợ 5 con lợn giống nên vợ chồng có thêm việc để làm, hạnh phúc lắm. Được cán bộ chuyên môn ở xã Thượng Hóa thường xuyên hướng dẫn cách thức chăn nuôi nên ngày nào gia đình cũng vào rừng lấy thêm cây chuối về trộn với cám, bột nấu cho lợn ăn và trồng thêm khoai lang trong vườn để tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho đàn lợn, bảo đảm bữa ăn nào lợn cũng no bụng để chóng lớn.

“Để giúp người dân bản Phú Minh phát triển kinh tế hộ gia đình một cách hiệu quả, bền vững, UBND xã Thượng Hóa đã yêu cầu những hộ được hỗ trợ lợn giống khi”xuất chuồng” cần phải để dành lại một phần kinh phí mua lợn giống tái đàn (tối thiểu phải ngang bằng số lượng lợn đã được hỗ trợ). Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đề nghị bà con tích cực trồng thêm rau màu, chủ động tận dụng thêm các loại cây, củ, quả ở rừng làm thức ăn cho lợn để tăng thêm hiệu quả kinh tế…”, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Văn Giáo cho biết.

Chị Đinh Thị Hồng trú tại bản Phú Minh cho biết: Đàn lợn của gia đình chỉ mới nuôi được hơn 4 tháng, nhưng trọng lượng hầu hết đều đạt từ 45 – 55 kg/con. Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn còn hơn 1 tháng nữa nên vợ chồng tập trung vỗ béo cho đàn lợn để kịp xuất chuồng lấy tiền mua sắm Tết. Dự tính khi lợn xuất chuồng, mỗi con cũng đạt trọng lượng khoảng 70kg. Theo giá cả thị trường hiện nay, thịt lợn hơiđược thương lái mua với giá khoảng 65 – 70 nghìn đồng/kg.

Như vậy, từ 3 con lợn được hỗ trợ, chỉ sau khoảng 5 tháng đầu tư chăm sóc, gia đình sẽ thu về gần 15 triệu đồng tiền lãi ròng, phấn khởi lắm. Ngoài việc trích một ít tiền bán lợn để sắm Tết, vợ chồng dự tính sẽ mua lại vài ba con lợn giống để tái đàn và dùng vào trả nợ tiền xây chuồng, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Giờ tìm được công việc chăn nuôi phù hợp với khả năng của bản thân, lại có thêm một khoản thu nhập đáng kể, hạnh phúc lắm các chú à…!

Văn Minh

Nguồn: Báo Quảng Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *