(Người Chăn Nuôi) – Theo nhiều chuyên gia nhận định, giá nông sản thế giới nói chung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) ở nước ta nói riêng sẽ có nhiều diễn biến khó lường hơn trong năm 2024. Do vậy, Việt Nam cần theo dõi sát sao mọi chuyển biến của nguồn cung nông sản toàn cầu để có thể nhận định kịp thời, chính xác và điều chỉnh phù hợp.
Bức tranh ngành TĂCN năm 2023
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng do nhu cầu về thịt và các sản phẩm từ sữa ngày càng tăng cao. Cùng với đó là nhu cầu cung cấp thức ăn chăn nuôi (TĂCN) có chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo tăng trưởng và năng suất. Tuy nhiên, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất TĂCN Việt Nam phần lớn đến từ nhập khẩu nước ngoài – ước tính chiếm khoảng 65% tổng nhu cầu nguyên liệu chăn nuôi trong nước.
Sản lượng TĂCN trong năm 2022 có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, năm 2022, sản lượng TĂCN công nghiệp đạt 20,8 triệu tấn, giảm 4,9% so với năm 2021. Trong đó, cơ cấu sản lượng của các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng 62,5% và các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 37,5%. Tính từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng dần tỷ trọng, dự kiến năm 2023 cơ cấu sản lượng TĂCN công nghiệp sẽ tiếp tục thay đổi theo xu hướng này.
Bước sang năm 2023, giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới có xu hướng hạ nhiệt, chi phí vận chuyển cũng giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường. Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng: Năm 2023 là một năm đầy biến động với thị trường nông sản thế giới và tác động không nhỏ đến giá cả các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, hầu hết giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quan trọng như: ngô, khô đậu tương, lúa mì đều sụt giảm từ 15 – 30% so với giai đoạn đầu năm.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá ngô nhập khẩu trung bình 11 tháng đầu năm nay ở mức khoảng 301 USD/tấn, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước; giá đậu tương nhập khẩu cũng giảm 8,9%, đạt 633,5 USD/tấn; giá lúa mì thấp hơn gần 11,4%, ở mức trung bình là 342 USD/tấn.
Cho nên, ngay đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh TĂCN cũng đã thông báo giảm giá. Đây là lần giảm giá thứ 5 liên tiếp trong năm nay của mặt hàng này, giúp giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo khi giá bán heo hơi liên tục giảm.
Theo ông Dũng, nguyên nhân chính là do chính trị, chính sách vĩ mô của các nước và thời tiết là 3 yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến đồ thị giá.
Triển vọng năm 2024
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa Nông nghiệp thường niên của Ngân hàng Đầu tư Rabobank, thị trường hàng hóa nông sản thế giới dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, mặc dù chưa hoàn toàn hồi phục nhưng vẫn có triển vọng tích cực hơn so với những năm trước. Cục Chăn nuôi cũng dự báo giá nguyên liệu và TĂCN thành phẩm sẽ tiếp tục giảm từ nay tới đầu năm 2024.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh tình hình toàn cầu liên tục biến động như hiện nay, giá nông sản thế giới nói chung cũng như giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở nước ta nói riêng sẽ có nhiều diễn biến khó lường hơn trong năm tới. Việt Nam cần theo dõi sát sao mọi chuyển biến của nguồn cung nông sản toàn cầu để có thể nhận định kịp thời và chính xác xu hướng giá.
Trước mắt là diễn biến mùa vụ ở khu vực Nam Mỹ, nhất là tại Brazil và Argentina – hai thị trường cung cấp đậu tương và ngô lớn nhất cho nước ta trong nhiều năm qua. Hiện nay, mùa vụ ở Nam Mỹ đang trong giai đoạn gieo trồng và phát triển, dự kiến sẽ được thu hoạch vào đầu năm tới. Nếu như thời tiết ở khu vực này diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến tiềm năng sản xuất, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta có thể tăng trở lại và tiếp tục duy trì ở mức cao như trong 3 năm qua.
Giai đoạn giữa và cuối năm 2024 cũng là lúc vụ đậu tương của Mỹ được gieo trồng và thu hoạch. Do đó, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng sẽ phần nào chịu sự chi phối bởi tình hình sản xuất đậu tương ở Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng thị trường cũng cần thận trọng trước mọi diễn biến của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu, nhất là sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc và các chính sách vĩ mô của Mỹ.
Giải pháp để phát triển ổn định, bền vững
Trước bối cảnh giá nguyên liệu TACN đầu vào diễn biến thất thường và rủi ro về dịch bệnh vẫn hiện hữu, các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. Ghi nhận từ kết quả khảo sát, một số giải pháp được doanh nghiệp ưu tiên bao gồm: Tập trung xây dựng nhóm hàng chiến lược có doanh số lớn và lợi nhuận cao; Tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào; Phát triển tổ hợp mô hình an toàn sinh học 4F (Farm – Food – Feed – Fertilizer); Cải tiến cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý của công ty; và Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…
Tùy nhu cầu của khách hàng để phân loại sản phẩm khác nhau. Thông qua việc xây dựng nhóm sản phẩm chiến lược dựa trên tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp tập trung được nguồn lực, tối ưu hóa chi phí sản xuất và phát huy thế mạnh, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, doanh nghiệp đã tìm kiếm các nguyên liệu thay thế, nhất là các nguyên liệu trong nước như cám gạo, tấm gạo, gạo lứt… thay thế cho ngô hay lúa mì.
Bên cạnh đó, những chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ ngành TĂCN trong thời gian qua đã có tác dụng đáng kể. Các vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh ở động vật được kiểm soát chặt chẽ. Việc hỗ trợ xây dựng vùng an toàn ở các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả thông qua các phần mềm công nghệ quản lý cơ sở, kiểm dịch nguồn gốc, chế biến động vật…
Anh Vũ