Bản Bà, xã Hữu Kiệm, huyện biên giới Kỳ Sơn được xem là “làng nuôi lợn đen” khi có 100% hộ nuôi lợn đen bản địa. Cận Tết, không khí chăn nuôi sản xuất ở bản Bà càng thêm nhộn nhịp. Điều đặc biệt là lợn ở đây chủ yếu ăn rau cỏ tự nhiên và bã rượu.
Bản Bà của xã Hữu Kiệm nằm dọc theo Quốc lộ 7A, bên bờ sông Nậm Mộ. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người xe qua lại, vào ra các gia đình ở bản Bà nhộn nhịp hơn ngày thường.
Tại hộ chị Trần Thị Liên, vừa nhanh tay sắp lại số củi mấy mẹ con chị tranh thủ ngày cuối tuần lên núi lấy về, chị Liên vừa nhóm bếp nấu thức ăn chống rét cho đàn lợn đã sắp đến ngày xuất chuồng.
Chị Trần Thị Liên duy trì đàn lợn đen từ 20 – 30 con. Ảnh: HT
“Thường thì tôi duy trì đàn lợn khoảng 20 con, nửa tháng cuối năm thì có lúc tăng lên 30 con. Giống lợn gia đình nuôi cũng như các hộ khác trong bản chủ yếu là lợn đen bản địa, do các hộ tự nhân giống” – chị Trần Thị Liên cho biết.
Khu chăn nuôi của gia đình chị Liên tách biệt với khu nhà ở, lại được vệ sinh chuồng trại hàng ngày nên không ảnh hưởng đến môi trường sống. Chị Liên cho biết, các hộ ở bản chủ yếu dùng cây chuối và các thức ăn có nguồn gốc thực vật khác để chăn nuôi, kết hợp với vệ sinh chuồng trại thường xuyên nên môi trường luôn được đảm bảo. Chị vừa mới xuất bán 7 con lợn thịt, trung bình mỗi con 50 – 70 kg.
Bản Bà có 140/140 hộ phát triển kinh tế từ nuôi lợn đen bản địa. Ảnh: TP
Chị cho biết, dịp gần Tết giá lợn hơi tăng hơn so với ngày thường, và lượng khách đặt hàng cao gấp 2 – 3 lần nên đến thời điểm gần cuối tháng 12 này, nếu không đặt hàng trước thì lượng “hàng” cũng không còn dư nhiều để bán tự do.
Đối diện nhà chị Liên, gia đình chị Lộc Thị Khăm cũng theo nghề chăn nuôi lợn đen bản địa ngót 20 năm. Chị Khăm cho hay, giống lợn đen bản địa tuy không cho trọng lượng lớn, song lại dễ nuôi và chất lượng thịt thơm ngon. Hơn nữa người dân bản Bà chủ yếu nuôi lợn bằng nguồn rau cỏ tự trồng, nên chi phí thức ăn cũng tiết kiệm được nhiều.
Các hộ ở bản Bà thành lập Tổ hợp tác trồng chuối để xây dựng nguồn cung thức ăn xanh cho đàn lợn. Ảnh: HT
Các hộ chỉ cần mua thêm bã bia, bã sắn trộn với thân cây chuối bằm, hoặc xay bằng máy xay thức ăn gia súc. Đàn lợn gần 30 con của chị Khăm cũng được nuôi theo lứa cuốn chiếu tầm 10 – 15 con. Công việc hàng ngày của chị là chặt thân cây chuối, băm nhỏ cho lợn ăn. Đối với lợn mới nuôi trọng lượng dưới 20 kg thì sẽ bổ sung thêm cám gạo, hoặc cám ngô trộn với thân cây chuối xay nhỏ để lợn mau lớn.
Bên cạnh phát huy nguồn thu nhập từ nuôi lợn đen, các hộ ở bản Bà còn “kiêm” thêm nghề nấu rượu truyền thống để cung cấp rượu cho địa phương và tận dụng hèm rượu làm thức ăn bổ dưỡng cho lợn.
Chị Lộc Thị Lý xay thân cây chuối cho lợn ăn. Ảnh HT
Vào dịp cận Tết, ở bản Bà ngày nào cũng có khách đến mua lợn, hoặc đặt hàng. Ngày bình thường giá lợn hơi khoảng 60 – 80 ngàn đồng/kg đối với con trọng lượng trên 20kg, lợn nhỏ dưới 20kg thì giá 100 – 120 nghìn đồng/kg.
Ngoài nuôi lợn thịt, một số hộ nuôi lợn mạ để duy trì chăn nuôi và cung cấp lợn giống trên địa bàn.
Các hộ ở bản Bà còn nấu rượu truyền thống, tận dụng hèm rượu để làm thức ăn cho lợn. Ảnh: HT
Chị Mùa Y Xài – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hữu Kiệm cho biết, từ nhiều năm nay bản Bà phát triển mô hình nuôi giống lợn địa phương. Từ 5 hộ được Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ 20 triệu đồng mua 21 con lợn đen chăn nuôi vào năm 2021, dần dần chị em nhân đàn và lan toả phong trào nuôi lợn đen bản địa ra toàn bản. Đến nay bản có 140 hộ thì tất cả các hộ đều chăn nuôi, trong đó có khoảng 50 hộ thường xuyên duy trì đàn lợn từ 30 – 40 con như hộ các chị Vi Thị Ngọc, Lộc Thị Lý, Lộc Thị Liên, Lộc Thị Khăm…
Nuôi lợn đen bản địa theo hướng xanh, sạch giúp các hộ ở bản Bà có thu nhập từ 50 – 100 triệu đồng/năm. Ảnh: TP
Nhờ mô hình nuôi lợn đen bản địa, nhiều hộ gia đình ở bản Bà đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích chị em duy trì mô hình “làng nuôi lợn đen” theo hướng xanh-sạch-chất lượng khi tận dụng nguồn thức ăn xanh từ các sản phẩm nông nghiệp do chính chị em trồng, sản xuất được” – chị Mùa Y Xài cho biết.
Thu – Phúc
Nguồn: Báo Nghệ An