Theo thống kê, đến sáng 12/12, dịch tả lợn châu Phi tại Hà Tĩnh đã xảy ra tại 51 hộ, 24 thôn thuộc các địa bàn: Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Thạch Hà (Hà Tĩnh) với gần 277 con lợn bị tiêu hủy.
Ngày 5/11, khi phát hiện con lợn nái đầu tiên của gia đình có triệu chứng ốm, bỏ ăn, thay vì báo với chính quyền địa phương, bà P.T.T. ở xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) đã đi mua thuốc về tự điều trị. Sau 3 ngày điều trị, dấu hiệu bệnh không thuyên giảm, lợn bị chết, gia đình mới báo chính quyền địa phương. Lúc này, ngành chuyên môn đến lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).
Sau ổ dịch đầu tiên, từ ngày 8 – 15/11, dịch đã xuất hiện tại 3 thôn của xã Cẩm Dương với 16 con lợn bị bệnh và phải tiêu hủy. Đến ngày 12/12, trên địa bàn xã Cẩm Dương, DTLCP lây lan ra 6 thôn với 18 hộ làm 36 con lợn mắc bệnh, bị chết, buộc tiêu hủy. Điều đáng nói là, dịch xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và số lợn bị bệnh đều chưa được tiêm phòng.
Sau khi phát hiện dịch bệnh, lợn được cơ quan chức năng đưa đi tiêu hủy.
Ngày 25/11, tại hộ ông T.V.B. ở xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà), cơ quan chức năng cũng phát hiện DTLCP sau khi đưa vật mẫu đi xét nghiệm. Trước đó, mặc dù đàn lợn có dấu hiệu tiêu chảy, thay vì báo chính quyền địa phương có phương án xử lý thì ông B. tự ý mua thuốc về tiêm cho lợn. Đến khi những con lợn đầu tiên trong đàn chết ông mới báo chính quyền.
Ông B. thừa nhận: “Đàn lợn của gia đình có 23 con sắp đến giai đoạn xuất bán. Khi lợn xuất hiện tiêu chảy, tôi rất lo lắng và đã tự tìm mua thuốc về điều trị. Sau gần 1 tuần điều trị, các triệu chứng không thuyên giảm, lợn chết nên tôi báo với cán bộ thôn. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP, cả đàn lợn của gia đình đã được đưa đi tiêu hủy”.
Theo thống kê, đến sáng 12/12, DTLCP xảy ra tại 51 hộ, 24 thôn thuộc các địa bàn: Cẩm Xuyên, Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Thạch Hà với gần 277 con lợn bị tiêu hủy.
Đây là giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi kém, dễ mắc bệnh; mặt khác các đợt mưa lớn kéo dài vừa qua khiến nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi tăng đàn phục vụ nhu cầu dịp tết Nguyên đán; hoạt động mua bán, vận chuyển gia tăng… Vi-rút bệnh DTLCP lại có khả năng đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền phức tạp và khó kiểm soát; bệnh chưa có thuốc đặc trị là những nguyên nhân khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, chính tâm lý chủ quan, lơ là của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng khiến DTLCP xuất hiện nhanh và lây lan diện rộng. Vẫn còn tình trạng các hộ dân chủ quan không thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; khi vật nuôi xảy ra triệu chứng bệnh không báo cáo chính quyền để có phương án xử lý kịp thời…
Bà Hoàng Thị Ngọc Diệp – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho biết: “DTLCP đang xảy ra tại 4 địa phương, các ổ dịch phát sinh chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn. Đây là thời điểm khá nhạy cảm, dự báo thời gian tới có không khí lạnh và nhiều đợt mưa, thời tiết ẩm, vật nuôi giảm sức đề kháng, lưu lượng vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tăng cao, tình hình dịch bệnh tại một số tỉnh trong khu vực diễn biến phức tạp… Do đó, nguy cơ phát sinh, lây lan DTLCP là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch; đồng loạt triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh”.
Cũng theo bà Diệp, DTLCP xảy ra trên địa bàn vào dịp này có ảnh hưởng khá lớn đến người chăn nuôi vì là thời điểm có tổng đàn vật nuôi khá lớn nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm cho dịp tết Nguyên đán sắp tới. Bà con không được chủ quan, giấu dịch mà nên báo cáo chính quyền để kịp thời có phương án khoanh vùng, dập dịch.
Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo bà con tuyệt đối không tự ý bán chạy, không vứt lợn chết ra môi trường; khi nhập đàn cần chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh. Đồng thời, chăm sóc, theo dõi thường xuyên tình hình sức khỏe của đàn lợn, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn; giữ chuồng trại khô thoáng, ấm. Cùng với đó, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, hạn chế người ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn để phát hiện lợn bị bệnh, bị chết, xử lý kịp thời ổ dịch; kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; điều tra, nắm chắc tổng đàn đến thời điểm hiện tại; hướng dẫn các hộ kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật; tổ chức đợt phun tiêu độc khử trùng môi trường diện rộng…
Thu Hà
Nguồn: Báo Hà Tĩnh