Trang trại của ông Hà Văn Vững, xóm Tràm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cách tỉnh lộ 433 chừng 3 km là một khu đồi độc lập, độ dốc cao. Xung quanh trang trại là cây rừng tự nhiên. Tận dụng lợi thế xa khu dân cư, nhiều nguồn thức ăn tự nhiên, ít người đi lại, ông Vững đầu tư lợn bản địa với hình thức nuôi bán hoang dã. Đây là loài lợn phàm ăn, ăn tạp nên thức ăn cho chúng rất dễ kiếm, từ rau lang, rau muống trồng quanh vườn hay cây chuối.
Khu đồi rộng chừng 3ha được đào hào xung quanh không để lợn đi ra ngoài. Ngoài diện tích rừng ông Vững cũng để một bãi ruộng có nước cho lợn đầm. Chuồng trại được làm đơn giản bằng tre, gỗ, lợp proximang. Mỗi ngày 3 lần vào buổi sáng, đầu giờ trưa và chiều ông gọi đàn lợn về ăn. Ăn xong chúng xuống ruộng đầm mình rồi lại lên rừng.
Mô hình nuôi lợn thả rừng ở xóm Chàm, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.
Cũng như nhiều gia đình ở vùng cao Đà Bắc, trước đây, gia đình ông Vững nuôi lợn để cải thiện bữa ăn gia đình và sử dụng khi nhà có công việc, dịp lễ, Tết. Từ khi trở thành thành viên Hợp tác xã đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh ông chọn lọc giống lợn bản địa ở Đà Bắc để nhân đàn. Lúc này ông xác định nuôi lợn trở thành hàng hóa và làm giàu. Từ vài con lợn mẹ đến nay đàn lợn của ông có hơn 70 con. Qua tìm hiểu cùng với kinh nghiệm chăn nuôi lợn vài chục năm nay, ông lựa chọn hướng chăn thả bán hoang dã. Theo ông Vững, chăn thả hình thức này có nhiều ưu điểm là không tốn công chăm sóc, lợn khỏe, ít bệnh tật. Cùng với chăn thả bán hoang dã ông chọn nuôi bằng thức ăn truyền thống là cám gạo, ngô nấu với rau, chuối… Với hình thức nuôi này cho thịt lợn ngon, khách hàng ưa chuộng, bán được giá cao. Giá lợn ông bán luôn cao hơn thị trường với giá lợn hơi trên 100 nghìn đồng/kg, nhiều khi không có hàng để bán. Tuy vậy cũng có nhược điểm đối với chăn thả ngoài tự nhiên nhiều lúc không kiểm soát được bệnh tật. Do chúng sống hoang dã nên nhát người, khi phát hiện bệnh điều trị và chăm sóc khó khăn.
Ông Vững cho biết: Hình thức nuôi này không tốn nhiều công. Trước đây nuôi nhốt để chăm sóc đàn lợn phải 2 – 3 người, giờ chỉ cần mình tôi. Mỗi ngày cho ăn 3 bữa, ban ngày thả lên rừng để chúng tự tìm kiếm thêm thức ăn là các loại cỏ, cây, măng. Khi đẻ chúng tự làm ổ đẻ trên đồi và tự về. Điều đặc biệt khi nuôi giống lợn này bắt buộc phải có diện tích ruộng có bùn để lợn đầm như trâu, nếu không lợn hay bị bệnh. Trong thời gian tới tôi học cách ủ men sống cho lợn ăn và tiếp tục nhân đàn lợn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ mô hình nuôi lợn bản địa bán hoang dã, năm 2022, gia đình ông Vững xuất bán được 1,1 tấn lợn thịt với giá 120 nghìn/kg, doanh thu trên 130 triệu đồng. Năm 2023, đến thời điểm này gia đình ông đã xuất bán trên 8 tạ lợn thịt, dự kiến đến hết năm xuất bán được trên 1 tấn.
Việt Lâm
Nguồn: Báo Hòa Bình