Người tiêu dùng không nên quá lo lắng trước dịch tả lợn châu Phi

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo: Người tiêu dùng không nên quá lo lắng trước dịch tả lợn châu Phi, bởi dịch không lây lan sang người và các ổ dịch đều được phát hiện, xử lý kịp thời.

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người nhưng nhiều bà nội trợ e ngại nên sức tiêu thụ thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Tĩnh đã giảm. Tại chợ Hội (thị trấn Cẩm Xuyên), những ngày này, sức mua thịt lợn giảm khá mạnh do trên địa bàn huyện đang có DTLCP tại một số xã như: Cẩm Dương, Nam Phúc Thăng…

mua bán thịt lợn tại Hà Tĩnh

Sức mua thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Tĩnh đang giảm khá mạnh.

Chị Nguyễn Thị Hiền – tiểu thương tại chợ Hội chia sẻ: “Trước khi DTLCP bùng phát trở lại, trung bình mỗi ngày tôi bán được hơn 1 tạ thịt lợn (tương đương 2 con). Thế nhưng, thời gian này, tôi chỉ bán được khoảng 1 con/ngày. Dù lợn tôi nhập có nguồn gốc rõ ràng, có dấu kiểm soát giết mổ nhưng do tâm lý e ngại dịch nên lượng người mua thịt lợn giảm mạnh. Không chỉ quầy của tôi mà phần lớn các quầy thịt trong chợ đều rơi vào tình trạng này”.

Chị Hoàng Thị Hoa, một người nội trợ ở thị trấn Cẩm Xuyên cho biết: “Do DTLCP xuất hiện ở một số địa phương trên địa bàn huyện nên tôi cũng khá lo ngại khi lựa chọn thịt lợn cho bữa ăn gia đình. Dẫu biết bệnh này không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhưng chúng tôi vẫn ít mua thịt lợn hơn”.

Sức mua thịt lợn giảm mạnh là tình trạng chung tại hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Tĩnh. Vì tâm lý lo lắng trước diễn biến của DTLCP nên người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại thực phẩm khác.

Chị Dương Thị Lài – tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Khi thông tin DTLCP đang xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh thì người dân khi mua thịt lợn thường hỏi kỹ về nguồn gốc lợn, có nhiều người cẩn thận xem dấu kiểm dịch; quan sát miếng thịt kỹ lưỡng hơn rồi mới mua. Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, tôi bán tại chợ và nhập cho các chỗ quen khoảng 60 kg thịt/ngày, thay vì 100 kg như trước”.

Cũng theo chị Lài, dù DTLCP đang bùng phát nhưng giá thịt vẫn ở mức ổn định chứ không giảm, dao động từ 90 – 110 nghìn đồng/kg, tuỳ từng loại.

mua thịt lợn tại siêu thị

Thịt lợn tại các siêu thị được người dân ưu tiên lựa chọn.

Trái ngược với sự chững lại của các quầy thịt lợn tại chợ truyền thống, tại các siêu thị, sức tiêu thụ thịt lợn vẫn giữ mức ổn định.

So với giá ở các chợ dân sinh, giá thịt lợn ở siêu thị cao hơn từ 20 – 40 nghìn đồng/kg. “Từ khi Hà Tĩnh công bố DTLCP đến nay, gia đình tôi đã chuyển qua mua thịt lợn ở các siêu thị, dù ở đây sản phẩm thịt không đa dạng như ở chợ” – chị Hồ Thị Nga (phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) khuyến cáo: “DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm và gây tử vong cao trên đàn lợn. Tuy nhiên, người tiêu dùng không nên quá lo lắng trước dịch bệnh, bởi dịch không lây lan sang người; mặt khác, hiện nay, các địa phương và ngành chuyên môn đang tập trung kiểm soát tốt, các ổ dịch đều được phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Để yên tâm khi sử dụng thịt lợn, người dân cần chọn mua thịt lợn và các sản phẩm từ lợn tại các quầy hàng có uy tín, thịt lợn phải được cơ quan thú y kiểm soát (có dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt); không mua thịt trôi nổi, thịt không có dấu của cơ quan thú y và thực hiện ăn chín uống sôi, tuyệt đối không nên sử dụng các loại tiết canh”.

Cũng theo ông Hùng, để công tác phòng, chống DTLCP đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cũng như tiểu thương tại các chợ cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch như: không vứt lợn chết bừa bãi; không giết mổ, tiêu thụ lợn nhiễm bệnh; lợn phải được giết mổ tại các cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và được cơ quan thú y kiểm soát…

>> Hiện nay, DTLCP đang xảy ra tại 46 hộ, thuộc 20 thôn của các xã: Cẩm Dương, Cẩm Quan, Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên); Lâm Trung Thủy (Đức Thọ); phường Trung Lương, Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh) và ở xã Tân Lâm Hương, Thạch Ngọc (Thạch Hà) làm cho 166 con lợn ốm chết, buộc phải tiêu huỷ, với khối lượng 12.743 kg.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, các địa phương đã chỉ đạo triển khai công tác tiêu hủy theo quy định; tổ chức tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại; lập chốt canh gác và khử trùng các phương tiện giao thông ra, vào vùng có dịch. Các cơ sở giết mổ cũng tăng cường việc kiểm soát nguồn thịt lợn trước khi bày bán trên thị trường.

Văn Chung

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *