Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi (ASF) đã xảy ra ở một số hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. Cùng với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả của người chăn nuôi, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, đợt tiêu độc khử trùng trên toàn tỉnh cũng sẽ được thực hiện nhằm quyết liệt khống chế, không để dịch bệnh trên đàn heo lây lan diện rộng.
Nhanh chóng kiểm soát ổ dịch
Ngày 17-10, Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm nhận được thông tin về việc heo bệnh, chết bất thường, có triệu chứng của bệnh truyền nhiễm xuất hiện ở 3 hộ nuôi quy mô nông hộ tại xã Suối Tân (huyện Cam Lâm). Kết quả xét nghiệm đàn heo của 3 hộ này dương tính với ASF, 70 con heo với tổng trọng lượng gần 3 tấn đã được tiêu hủy. Từ ổ dịch này, theo thống kê của cơ quan chuyên môn, ASF đã xảy ra tại 16 hộ ở 2 thôn Dầu Sơn, Đồng Cau của xã Suối Tân. Số lượng heo chết, bệnh buộc tiêu hủy là 505 con với tổng khối lượng gần 27 tấn.
Tiêu hủy heo mắc bệnh ASF tại Cam Lâm. Ảnh: Tuyết Trinh
Cơ quan chuyên môn khử trùng, tiêu độc khu vực xảy ra dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Tuyết TrinhTheo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, huyện đã chỉ đạo UBND xã Suối Tân triển khai quyết liệt các biện pháp khống chế, dập dịch. Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn; tiến hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh hộ có heo mắc bệnh. Cùng với đó, tổ chức cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo ký cam kết thực hiện “5 không” theo quy định, bao gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; đồng thời báo ngay chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi phát hiện heo nghi mắc bệnh.
Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, lực lượng thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương và người chăn nuôi tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi đàn heo, từ đó kịp thời phát hiện các dấu hiệu nghi mắc bệnh để triển khai ngay các phương án khống chế. Trong đợt dịch này, từ ổ dịch cuối cùng được phát hiện ngày 10-11, đến nay toàn tỉnh không phát sinh thêm bệnh dịch ASF trên đàn heo.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo thống kê, đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 350.000 con. Đây đang là thời điểm đàn heo ở mức cao nhất trong năm nhằm cung cấp thịt heo cho thị trường dịp lễ, Tết cuối năm. Với tổng đàn lớn, trong bối cảnh dịch bệnh ASF nhỏ lẻ đã xảy ra, nhu cầu giao thương buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh vào cuối năm, các mầm bệnh vẫn lưu hành trong môi trường… là những yếu tố tạo nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trước tình hình đó, ngày 22-11, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 02 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống ASF trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung phát hiện kịp thời và khống chế các ổ dịch phát sinh; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ heo…
Hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán heo đang được tăng cường kiểm soát.
Hy vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và cơ quan thú y, người chăn nuôi sẽ tuân thủ và triển khai đầy đủ các biện pháp nhằm không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ông Lê Thắng cho biết, từ ngày 1-12, Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt II năm 2023 sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh. Các cơ sở chăn nuôi, chợ có buôn bán gia súc, gia cầm, đơn vị vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tùy vào quy mô, tần suất sẽ có các mức độ thực hiện khác nhau trên tinh thần tổ chức tổng vệ sinh sạch sẽ các khu vực chuồng trại, khu chợ, phương tiện, trang thiết bị có liên quan đến gia súc, gia cầm. Tiếp đó, tiến hành khử trùng bằng hóa chất và tiêu độc bằng vôi bột các khu vực này. 6.100 lít hóa chất Supercid đã được cấp phát để các địa phương tiến hành phun vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi đồng loạt.
Hồng Đăng
Nguồn: Báo Khánh Hòa