Khai thác tiềm năng từ công nghệ khí sinh học

(Người Chăn Nuôi) – Một trong những công nghệ phổ biến hiện nay được ngành chăn nuôi trên thế giới cũng như Việt Nam ứng dụng để xử lý chất thải là công nghệ khí sinh học. Trong đó, mỗi công trình tùy kích cỡ khác nhau có thể giảm phát thải từ 4 – 6,4 tấn CO2.

Áp lực về môi trường với chăn nuôi của Việt Nam là rất lớn khi đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm, chiếm 18 – 20% phát thải khí nhà kính, chủ yếu là do phân gia súc, đặc biệt là gia súc lớn. Nếu chăn nuôi quy mô trang trại chỉ có 5% xử lý môi trường chưa triệt để thì khu vực nông hộ vẫn còn 28% chưa xử lý chất thải.

Hầm biogas

Hầm biogas tại một trang trại nuôi heo. Ảnh: ST

Từ năm 2003 – 2020, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT và Chính phủ Hà Lan, thông qua Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam triển khai Chương trình Khí sinh học quốc gia. Mục đích của chương trình là đưa công nghệ khí sinh học áp dụng trong nông thôn để cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Hiện nay, cả nước có 550 nghìn công trình quy mô nông hộ và gần 200 nghìn công trình quy môi trang trại áp dụng công nghệ khí sinh học. Mặc dù số trang trại được trang bị công trình khí sinh học đang ngày càng nhiều nhưng phần lớn khí sinh học tạo ra dư thừa vẫn bị đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường.

Mô hình sử dụng khí sinh học

Mô hình sử dụng khí sinh học phát điện góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Để khắc phục tình trạng lãng phí đó, hiện nay nhiều mô hình điện khí sinh học tại các trang trại chăn nuôi đã được thực hiện. Theo các chuyên gia, phát triển điện khí sinh học không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp cắt giảm lượng khí CH4 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế tại COP26 khi đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trong đó, chúng ta cam kết: năm 2025 tổng lượng phát thải khí CH4 không vượt quá 96,4 triệu tấn; riêng phát thải khí CH4 trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn. Năm 2030 tổng lượng phát thải khí CH4 không vượt quá 77,9 triệu tấn và phát thải khí CH4 trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn. Và một lợi ích khác là chủ trang trại tận dụng được nguồn điện khí sinh học, tiết kiệm chi phí năng lượng trong sản xuất.

Mặc dù công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi đã mang đến lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi như phát triển kinh tế, thay đổi môi trường… Tuy nhiên trong thực tế việc sử dụng công nghệ này chưa được phổ biến.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng “tín chỉ cacbon là động lực mạnh để thúc đẩy quá trình xử lý môi trường trong chăn nuôi”.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có công trình tạo ra hàng ngàn mét khối CH4, nhưng vẫn chỉ sử dụng để chạy máy phát điện, chưa thể giúp dòng điện này hòa vào lưới điện quốc gia, vì chúng ta chưa được nhà nước chấp nhận về thị trường tín chỉ carbon. Do vậy, theo ông Chinh: Trong lúc chưa có cơ chế cụ thể thì chúng ta cần gom chất thải chăn nuôi vào làm phân bón hữu cơ, hoặc cách khác là nuôi côn trùng… Ngoài công nghệ khí sinh học thì trong ngành chăn nuôi còn có nhiều công nghệ khác nữa. Và nếu muốn xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi triệt để thì cần tích hợp những công nghệ tối ưu khác như sinh học, hóa học, vật lý.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *