Gần đây, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết rải rác, cùng đó, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) cũng xuất hiện ở một số tỉnh, TP lân cận. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, chủ nhiều trang trại, gia trại đang tích cực triển khai các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi.
Xuất hiện lợn ốm, chết
Mấy ngày nay, gia đình ông M.V.K, thôn Núi Dứa, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) tiếc công, tiếc của khi mấy con lợn trong chuồng bỗng dưng bị phù, sốt, bỏ ăn rồi chết. Ngay khi phát hiện lợn kém ăn, ủ rũ, ông K đã chủ động tách đàn, rắc vôi bột khử trùng khu vực chuồng nuôi, tích cực cho lợn uống nước pha tỏi xay nhuyễn song lợn vẫn chết. Hiện ông K bỏ trống chuồng và xác định chưa tái đàn.
Lợn chết trôi trên kênh đoạn qua xã Nghĩa Trung (Việt Yên).
Tại các xã Nghĩa Trung (Việt Yên); Danh Thắng (Hiệp Hòa); Hương Gián (Yên Dũng) cũng xuất hiện tình trạng lợn ốm, chết. Lo ngại lợn bệnh làm ảnh hưởng giá lợn thịt, nhiều hộ chăn nuôi chấp nhận bán lợn “non”. Ông Nguyễn Văn Viện, thôn Tĩnh Lộc cho hay, gia đình vừa bán gần một tấn lợn thịt móc hàm với giá 68 nghìn đồng/kg. Một số hộ bán lợn hơi giá chỉ từ 48-50 nghìn đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ tháng trước từ 8-10 nghìn đồng/kg. Nếu phải mua con giống cộng với chi phí thức ăn chăn nuôi, nhân công thì người chăn nuôi không có lãi, càng nuôi kéo dài càng lỗ.
Đáng lo ngại, thay vì chôn, tiêu độc khử trùng số lợn bị bệnh, một số hộ đã mang xác lợn thả xuống kênh, ngòi, ao hồ… gây ô nhiễm môi trường. Ngày 18/10, tại đoạn kênh chảy qua địa phận xã Nghĩa Trung (Việt Yên) và xã Quế Nham (Tân Yên) có cá thể lợn đang phân hủy bốc mùi cùng một số bao nghi chứa lợn chết nổi trên mặt nước, ruồi nhặng bu bám. Bà Thân Thị Thúy, xã Quế Nham lo ngại: “Thời điểm này, chúng tôi tập trung dẫn nước về đồng sản xuất vụ đông. Xác động vật trôi trên kênh không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước mà còn mang theo mầm bệnh nguy cơ lây lan cho đàn vật nuôi và ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp”.
Thời điểm này, huyện Hiệp Hòa có 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 215 trang trại quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động với tổng đàn hơn 120 nghìn con lợn chuẩn bị cung ứng thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh những tháng cuối năm. Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay: “Các trang trại chăn nuôi vẫn an toàn. Tình trạng lợn bệnh chết chỉ xảy ra ở một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện xác minh nguyên nhân đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý lợn bệnh hợp vệ sinh”.
Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, giờ đang là thời điểm giao mùa, các loại mầm bệnh xuất hiện nhiều, trong khi sức đề kháng của vật nuôi giảm, khả năng miễn dịch của các loại vắc xin tiêm phòng từ đợt 1 (dịp tháng 3-5) không còn hiệu quả như trước.
Tình hình dịch TLCP cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, TP. Cả nước hiện có 21 tỉnh có dịch TLCP chưa qua 21 ngày. Trong đó, hai địa phương giáp ranh là Lạng Sơn đã xuất hiện dịch, nguy cơ rất lớn xâm nhập vào địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiến hành lấy mẫu giám sát chủ động đối với dịch TLCP trên địa bàn tỉnh để đánh giá mức độ lưu hành bệnh và cảnh báo nguy cơ. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức lấy mẫu kiểm dịch TLCP đối với các cơ sở chăn nuôi lợn xuất đi ngoại tỉnh nhằm rà soát, sàng lọc mầm bệnh.
Kiểm soát chặt, bảo vệ đàn vật nuôi
Còn nhớ năm 2019, các trang trại, hộ chăn nuôi Bắc Giang chịu thiệt hại nặng do dịch TLCP hoành hành. Do vậy trước thông tin bệnh dịch nguy hiểm này xuất hiện ở một số tỉnh, TP lân cận, nhiều chủ trang trại, gia trại ở các huyện, TP của tỉnh nhanh chóng triển khai biện pháp cách ly nghiêm ngặt, bảo vệ vật nuôi.
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao An Bình, thôn An Cập, xã Hoàng An (Hiệp Hòa) có hơn 200 con lợn nuôi an toàn sinh học. Theo bà Trần Thu Hương, Giám đốc HTX, gần một tháng nay, đơn vị tập trung cao các biện pháp phòng dịch như: Bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho vật nuôi; phun hóa chất khử trùng 3 lần/tuần (tăng 2 lần so với tháng trước); không cho người lạ tiếp xúc gần; nhân viên ra, vào đều phải mặc quần áo bảo hộ…
Gia đình ông Nguyễn Văn Viện, thôn Nghĩa Trung (Việt Yên) tách đàn lợn nuôi ở nhiều khu vực khác nhau để phòng ngừa dịch TLCP.
Những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng mạnh. Hoạt động mua bán, vận chuyển thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn giữa Bắc Giang và các tỉnh lân cận vì thế sẽ sôi động, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Bắc Giang hiện có tổng đàn lợn lớn với gần 900 nghìn con. Nhằm bảo vệ vật nuôi, bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm từ động vật.
Mới đây, lực lượng chức năng huyện Tân Yên kiểm tra phát hiện cơ sở thu gom sản phẩm lợn của bà Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố Hợp Tiến, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đang sơ chế 1 cá thể lợn đã chết, bốc mùi hôi thối, trọng lượng khoảng 50 kg và 350 kg gồm thịt và xương lợn đã được cấp đông. Kết quả xét nghiệm các mẫu đều dương tính với dịch TLCP. Toàn bộ số thực phẩm nhiễm dịch trên đã bị đưa đi tiêu hủy.
Lợn nhiễm dịch TLCP có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 15 ngày với một số biểu hiện như: Ho, khó thở, bỏ ăn, sụt cân, sốt nhẹ, viêm khớp, đi lại khó khăn, có thể sảy thai ở lợn đang mang thai. Các chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi khuyến cáo người dân tập trung kiểm soát chặt 3 yếu tố là: Con người, phương tiện, nguồn thức ăn đưa vào trang trại. Không nuôi các động vật khác trong trang trại chăn nuôi lợn; không sử dụng thức ăn dư thừa, ôi thiu. Thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường định kỳ bên trong và ngoài khu vực chăn nuôi bằng hóa chất và vôi bột.
Vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi lợn tại một trang trại trên địa bàn huyện Yên Dũng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, TP tuyên truyền, hướng dẫn các hộ làm tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. UBND xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn; yêu cầu ký cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn có biểu hiện ốm chết hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm.
Khi phát hiện các ổ dịch nghi ngờ, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kịp thời triển khai các bước phòng, chống dịch bệnh theo quy định, tuyệt đối không vứt xác động vật chết ra ngoài kênh mương, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: Hải Vân