Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến ngày càng phức tạp và có dấu hiệu tăng nhanh đến mức báo động. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, chính quyền các cấp cùng cơ quan chuyên môn đang triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Không để dịch bệnh lây lan
Trải qua “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi vào năm 2019, vừa qua, gia đình ông Vũ Khắc Bình (tổ dân phố 2, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) lại tiếp tục đối mặt với bệnh dịch tái bùng phát trở lại. Ngay khi phát hiện 21/54 con lợn thịt của gia đình có dấu hiệu bỏ ăn, ủ rũ, sốt cao và sau đó chết, ông Bình đã nhanh chóng trình báo với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.
Sau khi có kết quả xét nghiệm đàn lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chuyên môn đã tiến hành tiêu hủy 21 con bị bệnh, chết, với tổng trọng lượng là 983 kg; những con còn lại được nuôi cách ly và tiếp tục theo dõi. “Suốt ba năm qua, năm nào đàn lợn của gia đình tôi cũng bị chết do dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù sau khi đàn lợn bị nhiễm, gia đình tôi cũng “treo” chuồng, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin đầy đủ nhưng khi thả lợn được vài tháng lại tiếp tục bị nhiễm bệnh. Nhìn lại số lượng lợn chết, tiêu hủy mà tôi bủn rủn chân tay khi toàn bộ tài sản đầu tư vào đó phút chốc tiêu tan hết”, ông Bình ngậm ngùi.
Tiến hành phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi của các hộ dân trên địa bàn huyện Cư Kuin.
Cùng phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh dịch, ông Nguyễn Văn Quyết (thôn 8, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình có nuôi 11 con lợn thịt và chưa tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Trước đó, khi phát hiện 3 con lợn trong chuồng bị bệnh, nghĩ lợn chỉ bị bệnh thông thường nên gia đình tự mua thuốc về điều trị. Thế nhưng lợn không những không khỏi bệnh mà còn xuất hiện các triệu chứng sốt cao, co giật, bỏ ăn, ít vận động, sau vài ngày thì chết. Sau khi tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và xác định đàn lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chuyên môn đã khoanh vùng, tập trung dập dịch tại chỗ và tiêu hủy toàn bộ đàn lợn của gia đình ông theo đúng quy định. Nhằm khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, gia đình đã vệ sinh lại chuồng trại, đồng thời phối hợp với thú y cơ sở phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh còn sót lại trong môi trường xung quanh.
Ông Lê Văn Chín, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư Kuin cho biết, hiện tổng đàn lợn của huyện có gần 70.000 con, trong đó có 47 trang trại chăn nuôi theo quy mô từ 500 – 4.000 con/lứa nuôi. Mặc dù bệnh dịch đang được khống chế và kiểm soát, song nguy cơ bệnh tái phát là rất cao. Vì vậy, Trạm đang triển khai các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi một cách an toàn nhất.
Đối với ổ dịch xuất hiện trên địa bàn huyện, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ thú y cơ sở kiểm tra tình hình dịch bệnh, tiến hành rải vôi, phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ ổ dịch và hố tiêu hủy. Đồng thời, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng V để xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh, chết theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phân công cán bộ Trạm, cán bộ thú y cơ sở bám sát địa bàn để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi để kịp thời xử lý.
Tăng cường phòng, chống dịch
Thời điểm này, người chăn nuôi đang trong giai đoạn tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm, mầm bệnh có thể được mang từ nhiều nguồn khác về nên công tác phòng, chống dịch được các ngành chức năng triển khai quyết liệt, nhất là trong việc kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật…
Tính đến cuối tháng 9/2023, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 101 hộ thuộc 72 thôn/buôn của 11 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Cư M’gar, Krông Pắc, M’Drắk, Lắk, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Cư Kuin, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 1.071 con; khối lượng tiêu hủy là trên 44 tấn.
Cán bộ thú y cơ sở tuyên truyền và vận động người dân thực hiện tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho vật nuôi.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Ngọc Sơn thông tin, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ, lẻ nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao. Cùng với đó, tại một số địa phương, công tác chăn nuôi, thú y chưa được chú trọng vì thiếu cán bộ có chuyên môn nên khi dịch bệnh xảy ra khó bố trí nhân lực phòng, chống phù hợp.
“Để khống chế dịch bệnh lây lan, các địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn lợn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn; báo cáo kịp thời những trường hợp lợn bệnh, chết không rõ nguyên nhân, không được tự ý điều trị và bán chạy lợn bệnh”, ông Trần Ngọc Sơn khuyến cáo.
Thúy Nga
Nguồn: Báo Đắk Lắk