Vào khu vực chăn nuôi tập trung của bản Pục, xã biên giới Nậm Giải, huyện Quế Phong, mới thấy được ý chí vươn lên, không trông chờ, ỷ lại của đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ chăn nuôi lợn, trâu, bò… một số hộ dân bản Pục có nguồn thu cả trăm triệu đồng/năm.
Cùng với cán bộ xã Nậm Giải, sau 30 phút đi bộ, vượt khe, suối và núi đồi, chúng tôi đến thung lũng Huồi Kháng, nằm cách biệt trong rừng sâu – nơi được nhiều hộ dân bản Pục chọn làm khu vực chăn nuôi tập trung.
Thung lũng Huồi Kháng, nơi chăn nuôi tập trung của 16 hộ dân bản Pục, xã Nậm Giải. Ảnh: Xuân Hoàng
Gặp chị Ngân Thị Tấm đang chăm sóc hàng chục con lợn đen, được biết, vợ chồng chị ở bản Pục, nhưng vào đây chăn nuôi từ năm 2018. Lúc đó, vợ chồng làm căn nhà sàn nhỏ ở tạm, nuôi 2 con lợn nái sinh sản. Với sự chịu khó, vợ chồng chị cần mẫn chăn nuôi, sản xuất. Từ đàn lợn sinh sản, gia đình chị Tấm bán lợn con và tiếp tục xoay vòng đầu tư nhân đàn lợn nái. Những năm gần đây, ngoài bán lợn thịt, lúc nào trong chuồng cũng duy trì đàn khoảng 20 con, khách hàng cần lợn thịt hay lợn giống đều được cung cấp kịp thời. Riêng năm 2023 này, vợ chồng chị Tấm đã xuất bán vài con, thu về 17 triệu đồng; dự kiến dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt lợn để ăn Tết nhiều nên sẽ tiếp tục bán, thu về hàng chục triệu đồng nữa.
Chị Ngân Thị Tấm vào thung lũng Huồi Kháng chăn nuôi lợn đen và bò từ 5 năm nay, mỗi năm thu về trên dưới trăm triệu đồng. Ảnh: Xuân Hoàng
“Nguồn thức ăn cho lợn không phải mua thứ gì, toàn bộ là thu hái cây môn, cây chuối… trong rừng về nấu với ngô. Hàng ngày, tôi gùi 2 chuyến thức ăn từ nhà vào đây, mỗi chuyến nặng tới 50 kg mới đủ cho đàn lợn ăn. Không những chăn nuôi lợn, gia đình còn chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ chỗ chỉ có 1 con bê cái, đến nay, đàn bò của gia đình đã nhân lên 7 con và mới đây đầu tư nuôi thêm 1 con trâu”, chị Ngân Thị Tấm chia sẻ.
Nhờ ý chí vươn lên trong cuộc sống, vợ chồng chị Tấm đã thoát được hộ nghèo từ nhiều năm trước, có điều kiện nuôi dạy 2 con ăn học.
Lợn đen bản địa hiện có giá cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Quan sát trong thung lũng này còn có nhiều căn nhà sàn nhỏ, phía dưới và xung quanh nhà là nơi nhốt và thả lợn, trâu, bò… Đó cũng là nơi ở và chuồng trại chăn nuôi của những hộ dân ở bản Pục như các hộ: Hà Văn Sơn, Hà Thị Thường, Hà Văn Quế, Ngân Văn Nam… Vào đây cùng mục tiêu phát triển chăn nuôi, nên ai cũng ý thức được trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Bà Lữ Thị Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Giải cho biết, từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã đã đầu tư chăn nuôi lợn đen địa phương và trâu, bò tại 2 khu chăn nuôi tập trung ở bản Pục. Mỗi khu có 8 hộ, mỗi hộ có hàng chục con lợn và nhiều trâu, bò. Do khu chăn nuôi tập trung nằm xa khu dân cư nên ít dịch bệnh; cùng với đó, bà con sử dụng nguồn thức ăn có sẵn quanh thung lũng nên dù lợn chậm lớn nhưng chất lượng đảm bảo và chi phí thấp.
Để có nguồn thức ăn cho lợn, người dân bản Pục hàng ngày đi hái cây môn dọc khe suối về thái nhỏ để nấu với gạo. Ảnh: Xuân Hoàng
“Bà con đầu tư nuôi lợn đen không sử dụng thức ăn công nghiệp mà hoàn toàn lấy từ rau, cỏ tự nhiên, chất lượng thịt đảm bảo. Thông thường, bà con bán lợn dưới 15 kg/con, có giá 120.000 đồng/kg; loại lợn 30 kg/con, bán với giá 100.000 đồng/kg; loại lợn trên 30 kg/con bán với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, nhưng nguồn cung không đủ nhu cầu thị trường”, bà Lữ Thị Tiến cho hay.
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Quế Phong, những hộ dân ở bản Pục, xã Nậm Giải đầu tư chăn nuôi lợn đen tại khu vực tập trung là cách làm hay. Trong số 16 hộ chăn nuôi đó, phần lớn đã thoát nghèo, là những mô hình phát triển kinh tế hộ hiệu quả, cần được nhân rộng.
Xuân Hoàng
Nguồn: Báo Nghệ An