Người đưa “lợn bản” ra phố

“Lợn bản bán quanh các xã trong huyện vùng cao Mường Khương, mỗi ngày chỉ được khoảng 3 con nhưng nếu đưa ra thị trường ngoài tỉnh, lượng tiêu thụ sẽ lớn hơn, giá trị sẽ cao hơn. Với mong muốn làm được điều gì đó cho bà con, tôi quyết tâm tìm hướng đi mới, đưa lợn bản ra các thị trường lớn” – chị Cao Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Hòa, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) tâm sự.

Mọi người thường gọi Giám đốc Hợp tác xã Sơn Hòa với một cái tên thân mật là “Hòa lợn bản”. Cái tên nghe vừa vui, vừa lạ đó được những người quen biết chị Hòa gọi nhiều năm nay bởi lý do chị đã dành tâm huyết đưa sản phẩm thịt lợn bản của Mường Khương đi tìm kiếm thị trường ở các thành phố lớn.

lợn bản Mường Khương

Ít ai biết, trước khi dành toàn bộ tâm huyết với loại đặc sản nức tiếng “xứ Mường”, chị Hòa từng có 13 năm gắn bó với công việc của một công chức nhà nước tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai. Dù bận rộn với công việc, mỗi khi rảnh rang, chị lại dành cho đam mê nấu ăn của mình, nhất là các món ăn từ thịt lợn. Đam mê đó cũng chính là lý do khiến chị “rẽ ngang” từ một công chức nhà nước sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản đầy may rủi. Chị Hòa gọi bước ngoặt nghỉ việc đó của mình là bước ra khỏi “vùng an toàn”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Bản Sen (Mường Khương), chị Hòa sớm quen với mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống. Ngày ấy, mỗi gia đình có vài mảnh ruộng để trồng trọt, cấy hái, nuôi thêm vài con lợn, con gà đảm bảo cuộc sống. Những con lợn có bộ lông đen óng, được nuôi bằng cám ngô, cám gạo nấu với rau rừng được bố mẹ chị nuôi lớn, bán đi lấy tiền lo cho các con ăn học.

“Cha mẹ tôi kỳ vọng rất nhiều vào con cái, nuôi ăn học hơn chục năm trời, lo cho con cái học đại học rồi sau đó có công việc ổn định tại cơ quan nhà nước” – chị Hòa bộc bạch.

lợn bản Mường Khương

Chị Hòa tin vào lựa chọn của bản thân mình, bởi đó không đơn thuần là đam mê mà còn bởi mong muốn làm được điều gì đó cho nông dân ở quê hương. Hơn ai hết, người phụ nữ trưởng thành từ thôn quê hiểu rõ nỗi vất vả của nhà nông “chân lấm tay bùn”. Để nuôi lớn được 1 con lợn bản mất từ 6 tháng đến cả năm trời ròng rã. Ấy thế mà đến lúc cần bán, có khi gọi ồi ồi cũng chưa ai đến bắt vì thị trường chưa cần đến, lại phải chờ đợi, chưa kể giá cả bấp bênh, giá trị không cao.

Thế là ý tưởng đưa thịt lợn bản đi xa hơn, với giá trị cao hơn được chị Hòa hiện thực hóa. Năm 2020, Hợp tác xã Sơn Hòa được thành lập, liên kết tiêu thụ lợn đen bản địa của người dân địa phương rồi sơ chế thành các sản phẩm từ thịt lợn bản để đưa ra thị trường. Cũng từ đó đến nay, thay vì “chỉ đi quanh xã, quanh huyện”, các món ăn từ lợn bản đã được đưa lên bàn tiệc của nhiều nhà hàng, khách sạn, lên kệ các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm đặc sản tại nhiều tỉnh, thành.

lợn bản Mường Khương

Sau khi chính thức nghỉ việc tại cơ quan nhà nước, chị Hòa dành toàn bộ tâm huyết phát triển thương hiệu lợn bản Mường Khương. Từ thịt lợn tươi được sơ chế, chị đã “khai sinh” thêm 7 sản phẩm khác, là đặc sản từ lợn bản “xứ Mường”. Với mỗi sản phẩm, chị đều dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu, học hỏi và điều chỉnh, hoàn thiện theo khẩu vị của thị trường mình hướng tới, nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của món lợn bản.

Đơn cử như món khâu nhục nổi tiếng của người Mường Khương, trước khi chính thức ra mắt thực khách, chị Hòa đã mời 5 đầu bếp có kinh nghiệm, chuyên nấu món khâu nhục cho các bữa cỗ, tiệc lớn trên địa bàn đến để học hỏi công thức. Tương tự, các món như lợn sấy, thịt hun khói, lạp xưởng, ruốc… đều được chị Hòa tự học hỏi, bắt tay vào hoàn thiện công thức chế biến, sau đó mới sản xuất thành hàng hóa. Nhờ sự tỉ mỉ trong từng khâu, từ việc chọn lựa nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, bảo quản, sản phẩm của Hợp tác xã Sơn Hòa luôn nhận được sự đón nhận của người tiêu dùng.

lợn bản Mường Khương

Hợp tác xã Sơn Hòa hiện sở hữu 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và 2 sản phẩm đang hoàn thiện quy trình để chấm sản phẩm OCOP trong năm 2023. Hợp tác xã cũng tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp người chăn nuôi lợn đen đặc sản Mường Khương có thêm đầu ra, nâng cao giá trị.

Thuý Phượng – Lê Nam

Nguồn: Báo Lào Cai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *