Tháng 5-2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Hbông và xã Dun lựa chọn 2 hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm, quy mô 1.000 con.
Hộ tham gia mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 70% tổng giá trị, gồm: con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho gà từ khi bắt đầu chăn nuôi cho đến khi xuất chuồng. Tổng mức đầu tư dự án hơn 167 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học năm 2023; trong đó (nhà nước hỗ trợ hơn 114 triệu đồng; hộ dân đối ứng hơn 53 triệu đồng).
Sau gần 4 tháng thực hiện mô hình, giống gà H’Mông cho thấy hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Hoàng Viên
Qua gần 4 tháng thực hiện mô hình cho thấy, giống gà H’Mông rất khỏe mạnh, có sức đề kháng cao, phù hợp với điều kiện chăn thả của người dân địa phương, tỷ lệ nuôi sống đạt 95,7%, trọng lượng trung bình đạt 1,65 kg/con. Gà H’Mông có thịt dai, chắc, thơm ngọt, hàm lượng dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế đạt được hơn 43 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bên cạnh đó các hộ dân còn có thể lựa chọn những con gà có phẩm chất tốt làm giống, nhân rộng giống gà quý, có được nguồn thu ổn định.
Việc triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi, giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Hoàng Viên