Những năm qua, nhờ các nguồn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, các mô hình chăn nuôi tại miền Tây được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, dù được xem là “bà đỡ” để đồng bào vùng cao vươn lên thoát nghèo, nhưng thực tế vẫn còn nhiều mô hình gặp khó trong lan tỏa, nhân rộng.
Thành công nhưng khó nhân rộng
Năm 2018, nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình Giảm nghèo nhanh, bền vững 30a của Chính phủ, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kỳ Sơn (thời điểm chưa sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) đã triển khai mô hình hỗ trợ nuôi lợn rừng cho đồng bào khó khăn ở 2 xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu, với tổng số 135 con, mỗi hộ trong mô hình được hỗ trợ 5 con, bao gồm lợn nái để sinh sản. Đây là giống lợn đặc sản, thích ứng với điều kiện, thời tiết ở miền núi và có giá trị cao trên thị trường; kỳ vọng sẽ được nhân rộng để tạo thu nhập cho bà con cũng như bảo tồn giống lợn quý.
Tuy nhiên, đến nay, về các xã xây dựng mô hình thời điểm đó, việc tìm được những con lợn rừng trước đây là điều không hề dễ dàng. Giống lợn này gần như không còn trên địa bàn!
Mô hình nuôi lợn rừng được triển khai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cách đây 5 năm, tuy nhiên, đến nay không thể nhân rộng giống lợn này tại các mô hình. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc
Ông La Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Giai đoạn đó, khi đưa lợn đặc sản về, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi. Lợn thích ứng nhanh với môi trường, sinh trưởng tốt và cũng đã sinh sản các lứa, bà con cũng xuất bán để có thu nhập. Mặc dù vậy, giai đoạn 2019 – 2020, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đa số lợn rừng đều bị nhiễm bệnh và phải tiêu hủy, đến nay, giống lợn này đã không còn xuất hiện trên địa bàn. Đây là điều tiếc nuối rất lớn.
Dịch tả lợn châu Phi là một trong những nguyên nhân khiến các giống lợn phải tiêu hủy. Ảnh: Quang An
Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, song bà con các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu không tái đàn giống lợn này, dù bước đầu đã ghi nhận hiệu quả. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do tâm lý trông chờ nguồn hỗ trợ từ các cấp, không chủ động mua lợn giống để phát triển kinh tế.
Cách đây 10 năm, tại các xã Mỹ Lý, Mường Lống (Kỳ Sơn) cũng có dự án hỗ trợ nuôi nhím cho bà con. Mặc dù nhím sinh trưởng tốt, đã sinh sản, tuy nhiên, khó khăn lại nằm ở đầu ra sản phẩm, khi thị trường thời điểm đó chưa ưa chuộng loài vật này, giá bán rẻ, không bù đắp được công chăm sóc. Từ đó, bà con không mặn mà nhân rộng giống loài vật này nữa.
Không chỉ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mà tại các địa phương vùng cao, việc triển khai mô hình cho thấy hiệu quả, song qua một thời gian, việc nhân rộng lại rất khó khăn. Năm 2019, tại các xã Môn Sơn, Bình Chuẩn (Con Cuông) đã triển khai mô hình nuôi vịt bầu từ nguồn Chương trình 135, với khoảng 5.000 con giống. Đây cũng là giống vịt đặc sản tại Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay, việc nhân rộng giống vịt bầu gặp khó khăn do đầu ra cũng như tập quán chăn nuôi chưa khoa học của người dân.
Vịt bầu từng được triển khai trên địa bàn huyện Con Cuông nhưng đến nay vẫn chưa nhân rộng được. Ảnh: Quang An
Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết: Thời điểm đó, vịt bầu sinh trưởng khá tốt, nhưng không có đơn vị bao tiêu lớn, người dân tiêu thụ manh mún. Hơn nữa, bà con vẫn giữ tập quán chăn nuôi thả rông, không khép kín, dẫn đến vịt dễ bị nhiễm vi-rút cúm gia cầm. Đến nay, dù giống vịt này vẫn còn, nhưng để nhân rộng như dự tính ban đầu rất khó.
Qua tìm hiểu thực tế, có thể thẳng thắn nhận định rằng, tập quán chăn nuôi lạc hậu, ý thức hạn chế của một bộ phận bà con vùng cao là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng đáng buồn là các mô hình chăn nuôi khó bền vững và khó nhân rộng.
Thực tế, mục tiêu của các mô hình là “trao cần câu” cho người dân; nhẽ ra, sau khi các con giống đã sinh sản, đủ trọng lượng và chất lượng xuất bán, có thu nhập rồi thì bà con cần phải tiếp tục đầu tư con mới để tái đàn, duy trì. Tuy nhiên, nhiều hộ dân đã sử dụng số tiền đó vào mục đích khác, rồi tiếp tục trông chờ vào sự hỗ trợ con giống từ các chương trình. Nếu tư duy này không thay đổi thì việc xóa đói, giảm nghèo từ các mô hình vẫn còn rất gian nan.
Bà con vùng cao có tập quán thả rông gia súc, khiến dễ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Quang An
“Tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao có nhiều điểm hạn chế, chủ yếu là chăn thả rông, không làm chuồng trại, dẫn đến các giống lợn, trâu, bò… thuộc các mô hình dễ lây các dịch bệnh, như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… Trong khi đó, bà con vẫn chủ quan, tỷ lệ tiêm vắc-xin cho vật nuôi trên địa bàn chỉ khoảng 20% tổng đàn, số vắc-xin hoàn toàn được cấp, người dân tự bỏ tiền tiêm rất ít”, ông Ngân Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Kỳ Sơn cho biết thêm.
Cần hướng đi bền vững
Sáng lên giữa hàng loạt mô hình “chết yểu”, vẫn có một số mô hình phát huy được hiệu quả lâu dài nhờ chủ mô hình tâm huyết với vật nuôi, chú trọng đầu tư, chăm sóc. Gia đình anh Lô Khánh Khang ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn hiện đang nuôi hàng chục con dúi. Đây là đặc sản của vùng cao xứ Nghệ, có giá trị cao trên thị trường. Anh Khang cho biết, anh đã triển khai nuôi dúi vài năm nay, dúi sinh trưởng tốt, sinh sản nhiều, số lượng không ngừng tăng lên. Năm vừa rồi, gia đình đã xuất bán hơn 100 con.
Mô hình nuôi dúi của anh Khang ở huyện Kỳ Sơn bước đầu phát huy hiệu quả. Ảnh: Quang An
Ghé thăm mô hình nuôi dúi này, chúng tôi ghi nhận khu vực chăn nuôi khép kín, hạn chế người lạ ra, vào, các ô nuôi sạch sẽ, khoa học. Các loại thuốc thú y cơ bản cũng luôn được chủ mô hình chuẩn bị sẵn sàng khi sức khỏe của dúi có vấn đề.
Trên địa bàn huyện Quế Phong, một số mô hình nuôi lợn đen, gà bản địa, cá lồng cũng phát huy được hiệu quả và đang được nhân rộng với phương thức chăn nuôi an toàn, đảm bảo. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm được địa phương và người chăn nuôi chú trọng hơn, nên việc tiêu thụ cơ bản thuận lợi. Đơn cử như mô hình nuôi gà bản địa trên địa bàn xã Nậm Giải do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai năm 2021. Ban đầu chỉ thử nghiệm với 5 hộ dân, tuy nhiên, nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đầu ra ổn định do đã có cam kết bao tiêu từ trước, nên số hộ tham gia mô hình không ngừng tăng lên, đến nay đã có 18 hộ nuôi.
Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Vấn đề xóa đói, giảm nghèo và nhân rộng các mô hình ở miền Tây cần tư duy phân định rõ để có giải pháp hỗ trợ hợp lý. Nếu mục tiêu là nhân rộng các giống cây, con đặc sản thì chỉ nên tập trung đưa mô hình vào những hộ gia đình có tiềm năng, kỹ thuật, đảm bảo kinh tế.
Những hộ ấy được trang bị đầy đủ kiến thức, điều kiện để giúp cây, con có thể sinh trưởng, phát triển tốt, từ đó nhân rộng. Ngược lại, nếu việc cung ứng cây, con cho các hộ đồng bào nghèo ở miền Tây chủ yếu tập trung vào việc xóa đói, giảm nghèo, thì cần hiểu rõ những hạn chế đặc thù trong tập quán, canh tác, ý thức của họ; từ đó, làm tốt hơn công tác tuyên truyền, định hướng để bà con thay đổi thói quen nuôi, trồng, tập huấn kỹ thuật phù hợp, đồng hành sát sao cùng người dân, có vậy thì mô hình mới bền vững.
Giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm trung tâm có 3 mô hình hỗ trợ chăn nuôi cho các huyện vùng cao Nghệ An. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có khoảng 6 mô hình khuyến nông hỗ trợ con giống cho bà con hộ nghèo ở miền Tây vươn lên ổn định cuộc sống, trong đó, tập trung vào các vật nuôi bản địa như trâu, bò, gà, vịt, dê… Để các mô hình phát triển bền vững, nhân rộng hơn thì công tác tuyên truyền, định hướng cho bà con thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi là rất quan trọng; trong đó, việc chú trọng xây dựng chuồng trại, tiêm vắc-xin… phải đặt lên hàng đầu. Các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn kỹ thuật, kỹ năng chăn nuôi cho người dân, bên cạnh đó, trước khi thực hiện mô hình cần tính toán đầu ra ổn định cho vật nuôi.
Quang An
Nguồn: Báo Nghệ An