Na Uy, Phần Lan bùng phát dịch cúm gia cầm

Na Uy và Phần Lan đang đối mặt với đợt bùng phát cúm gia cầm kỷ lục trong năm 2023. Dịch bệnh đã giết chết hàng ngàn con mòng biển và các loài chim biển khác, đe dọa ngành chăn nuôi và buộc chính phủ đưa ra lệnh hạn chế đi lại ở một số khu vực.

Cúm gia cầm đã lan rộng khắp châu Âu trong những năm gần đây. Hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, hàng triệu con gia cầm tại các trang trại ở Pháp bị tiêu hủy, làm ảnh hưởng đến việc cung cấp thịt và trứng gia cầm.

Tại Na Uy, các quan chức thị trấn Vadso ở khu vực hạt Finnmark cho biết, họ đã thu gom hơn 10.000 con chim chết ngoài tự nhiên. Ngày 27/7, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy cũng áp đặt lệnh cấm du lịch đối với 3 khu bảo tồn thiên nhiên.

Na Uy, Phần Lan bùng phát dịch cúm gia cầm

Na Uy thu gom xác chim chết giữa một đợt bùng phát cúm gia cầm lớn tại hạt Finnmark vào ngày 20/7 – Ảnh: REUTERS

Ole-Herman Tronerud – Giám đốc thú y của Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy – cho biết: “Các đợt bùng phát mà chúng ta đang thấy ở nhiều nơi khác nhau tại Finnmark năm nay lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng ghi nhận ở Na Uy”.

Chủng virus H5N1 lây lan giữa gia cầm và chim hoang dã trong nhiều năm qua, nhưng đã có những đợt bùng phát lẻ tẻ ở các loài động vật có vú như mèo, chồn và rái cá được báo cáo trên toàn cầu.

Phần Lan, nước láng giềng của Na Uy, cũng cho biết các loài chim hoang dã bị ảnh hưởng nặng nề và chủng H5N1 hiện đã được tìm thấy ở 20 trang trại nuôi thú lấy lông. Hồi trung tuần tháng 7, con số này chỉ là 12.

“Mầm bệnh được xác nhận là một biến thể lưu hành đặc biệt ở loài mòng biển” – Bộ Y tế và Xã hội Phần Lan cho biết hôm 26/7.

Ở Anh, xác của hàng ngàn con chim biển bị nhiễm cúm được tìm thấy dọc theo bờ biển. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết, rủi ro đối với con người là rất thấp, nhưng những người đi biển được khuyến khích tránh xa những con chim chết hoặc bị bệnh và báo cáo tình hình cho chính quyền.

Đợt bùng phát cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1 diễn ra trên khắp nước Anh. Kể từ tháng 10/2022, đã có 190 trường hợp được xác nhận với hàng triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Dịch bệnh được cho là đã giết chết ít nhất 50.000 con chim hoang dã. Tuy nhiên, con số này xem chừng thấp hơn thực tế nhiều lần.

Trong tháng 7, 3 cơ quan của Liên hiệp quốc cảnh báo, các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trên toàn cầu làm dấy lên mối lo ngại rằng virus có thể thích nghi để lây nhiễm sang người dễ dàng hơn. Các tổ chức này cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường giám sát dịch bệnh, cải thiện vệ sinh tại các trang trại gia cầm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng, nguy cơ H5N1 lây nhiễm trên người vẫn còn thấp, tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ các báo cáo về tình hình lây nhiễm trên các loài động vật có vú.

Mới đây, Hàn Quốc đã đưa 1 trại trú ẩn cho mèo ở thủ đô Seoul vào diện kiểm dịch sau khi phát hiện chủng cúm gia cầm H5N1 trên 2 cá thể mèo vừa chết.

Ngày 25/7, Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, cúm gia cầm được phát hiện trên mèo ở nước này.

Linh La (theo Reuters, BBC)

Nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *