Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ có 17 trang trại chăn nuôi đang hoạt động, trong đó có 6 trang trại chăn nuôi lợn, 9 trang trại chăn nuôi gà, 1 trang trại chăn nuôi bò và 1 trang trại chăn nuôi thỏ. Đây là con số quá “khiêm tốn” so với tiềm năng trong lĩnh vực chăn nuôi của địa phương.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh, việc chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình trang trại được coi là giải pháp tối ưu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc và lây nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, việc phát triển các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn là bài toán khó loay hoay tìm lời giải.
Người lao động tại HTX Nông sản sạch Kim Dung thu hoạch trứng gà
Còn nhiều “rào cản”
Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết: Căn cứ theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí trang trại, thì đối với trang trại chuyên ngành chăn nuôi hiện nay bắt buộc phải có diện tích tối thiểu từ 1 ha trở lên (đối với tỉnh miền núi, còn đối với các tỉnh đồng bằng thì từ 2,1 ha trở lên). Tuy vậy, trên thực tế, các hộ chăn nuôi có muốn phát triển quy mô theo hướng trang trại cũng gặp nhiều khó khăn do không thể tích tụ đất đai để đảm bảo đủ quỹ đất theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT.
Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, hiện nay do việc đưa chính sách đất đai vào thực tế để hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại còn vướng mắc và chưa rõ ràng dẫn đến quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm và gặp khó khăn ở nhiều nơi; quá trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rườm rà, kéo dài;…Điều này khiến nhiều hợp tác xã (HTX) chăn nuôi muốn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tập trung gặp khó khăn về tiêu chí quỹ đất, bởi muốn mở rộng quy mô đất phải thuê thêm đất của các cá nhân khác nên chi phí đầu tư sẽ tăng cao. Cùng đó, nếu có giao đất thì thời gian giao đất để triển khai mô hình trang trại theo thẩm quyền của cấp xã chỉ 5 năm, điều này gây khó cho các hộ chăn nuôi muốn đầu tư trang trại chăn nuôi lâu dài. Hơn nữa, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số huyện chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, điều này khiến các doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu đầu tư trang trại chăn nuôi cũng không có quỹ đất rõ ràng để đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, mặc dù tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển mô hình HTX hoạt động lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng chính sách về hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, nhất là các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng cho các cá nhân, HTX, tổ chức có nhu cầu phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tập trung còn nhiều khó khăn, các HTX hay các hộ chăn nuôi có ý định nâng cấp thành trang trại chăn nuôi cũng thiếu nguồn vốn đầu tư.
Anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Ngọc Thạch (xã Mai Sao, huyện Chi Lăng) cho biết: Năm 2017, HTX bắt đầu phát triển chăn nuôi thỏ theo mô hình trang trại khép kín. Từ đó đến nay, HTX luôn nuôi duy trì khoảng 8.000 con thỏ sinh sản và thỏ thương phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 20.000 con thỏ thương phẩm, đem lại doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Với nền tảng đó, HTX mong muốn tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô trang trại. Tuy nhiên, HTX đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất để mở rộng trang trại, đặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư, phát triển mô hình.
Không chỉ các chủ trang trại, một số gia trại có nhu cầu đầu tư nâng thành trang trại chăn nuôi cũng gặp vướng mắc khi tiếp cận các nguồn vốn vay. Chia sẻ nội dung này, ông Từ Sơn Hà (thôn Làng Cà, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng) cho biết: Gia đình đang nuôi hơn 7.000 con gà mía thả vườn, nhu cầu của gia đình là muốn đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín để chăn nuôi theo mô hình trang trại. Để có vốn đầu tư, gia đình đã làm hồ sơ theo hướng dẫn của xã để thực hiện vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển HTX, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn triển địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025, nhưng thời gian làm hồ sơ gần hai năm mà vẫn chưa được duyệt để vay vốn do diện tích quỹ đất và một số điều kiện khác chưa đảm bảo…
Qua tìm hiểu thực tế thấy rằng, bên cạnh những yếu tố về cơ chế, chính sách, những hạn chế nội tại trong hoạt động chăn nuôi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, không có quy hoạch bài bản, quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) nhìn chung còn nhỏ, khả năng quản lý còn hạn chế.
Cần giải pháp đặc thù
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trên thực tế vẫn còn một số huyện chưa có kế hoạch và giải pháp cụ thể để phát triển trang trại chăn nuôi, còn lúng túng trong việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng… để phát triển trang trại chăn nuôi, nhất là những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Vì thế, số lượng trang trại chăn nuôi không những có ít mà còn không đồng đều giữa các huyện, thành phố. Do đó, để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, các huyện, thành phố cần tập trung quy hoạch, lựa chọn vùng phát triển chăn nuôi tập trung đối với từng loại vật nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp với các huyện, thành phố từng bước vận động các hộ chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời, sở tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố của tỉnh thực hiện rà soát để quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, từ đó tạo quỹ đất để thu hút các doanh nghiệp triển khai xây dựng các trang trại chăn nuôi. Cụ thể như đang xem xét phát triển vùng chăn nuôi tập trung tại huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc… Cùng đó, tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích hỗ trợ các HTX, gia trại chăn nuôi ứng dụng kỹ thuật công nghệ nuôi tiên tiến, tổ chức lại sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cấp thành trang trại chăn nuôi…
Song song với đó, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi quy mô lớn áp dụng công nghệ tiên tiến, qua đó nhằm nâng cao giá trị và gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ngành, các địa phương tiếp tục khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững; xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch hằng năm đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025…
Theo xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi sản xuất liên hoàn, thân thiện với môi trường như hiện nay, việc xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô trang trại là tính tất yếu. Do vậy, rất cần các cấp, các ngành liên quan của tỉnh sớm triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại.
Trí Dũng – Kim Chi