Lạng Sơn: Dồn lực ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm 2023 đến ngày 27/6/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 299 hộ ở 74 thôn của 31 xã thuộc 6 huyện (Bắc Sơn, Tràng Định, Lộc Bình, Văn Lãng, Bình Gia, Văn Quan) làm chết và tiêu hủy 1.176 con lợn, với tổng trọng lượng 63.389 kg. Trước tình hình đó, ngành chức năng đã và đang dồn lực triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn ngừa các ổ bệnh lây lan ra diện rộng.

Tại huyện Văn Quan, từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2023, trên địa bàn huyện không phát sinh các ổ bệnh DTLCP. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2023, huyện đã xuất hiện ổ bệnh DTLCP tại xã Hòa Bình và An Sơn. Số lợn chết và tiêu hủy là 30 con với tổng trọng lượng 1.708 kg.

Ông Hoàng Văn Giai, thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình cho biết: Ngày 2/6, gia đình có 2 con lợn bị chết, ngay sau đó, tôi đã liên hệ với trưởng thôn để thông báo với thú y viên xã lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP và mang lợn chết đi tiêu hủy. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục được thú y viên của xã tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch. Theo đó, gia đình đã vệ sinh chuồng trại, khử khuẩn, rắc vôi bột, san lấp hố thải… để hạn chế tối đa mầm bệnh còn trong môi trường xung quanh.

phun tiêu độc khử trùng

Thú y viên phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng nuôi thôn Nà Súng, xã Điềm He, huyện Văn Quan

Ông Hoàng Văn Tăng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Văn Quan cho biết: Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch, chúng tôi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dịch đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đến các xã, thôn, bản và từng hộ dân. Do chưa xác định được nguồn lây chính thức, trước mắt, huyện tập trung tuyên truyền và hướng dẫn bà con khử trùng, vệ sinh chuồng trại, ngăn ngừa các ổ bệnh lây lan. Đến nay, trung tâm đã sử dụng 365 lít thuốc sát trùng và phun khử khuẩn cho các hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung tuyên truyền người dân thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh) trong phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời, phát trên 2.000 bộ tài liệu và tờ rơi về cách nhận biết triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP cho các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, tính đến ngày 29/6/2023, toàn huyện chưa phát hiện thêm ổ bệnh DTLCP.

Không chỉ tại huyện Văn Quan, công tác phòng, chống bệnh dịch đang được các huyện, thành phố tích cực triển khai. Hiện nay, TTDVNN tại các huyện phát sinh bệnh DTLCP đang dồn lực “phong tỏa” 74 ổ bệnh tại 31 xã thuộc 6 huyện; khuyến cáo các hộ dân có vật nuôi nhiễm bệnh cần tuân thủ nghiêm quy trình phun khử trùng khu vực ra, vào chuồng trại, không tự ý chữa trị cho đàn gia súc. Tại các hộ chưa có gia súc nhiễm bệnh người chăn nuôi cần chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, chuẩn bị đầy đủ thức ăn để tăng sức đề kháng cho vật nuôi; tăng cường giám sát và thông báo kịp thời khi phát hiện vật nuôi của gia đình có biểu hiện nghi nhiễm bệnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 xã đã qua 21 ngày không phát sinh bệnh DTLCP.

biện pháp phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến bệnh DTLCP tái bùng phát như hiện nay là do sự lơ là, chủ quan trong phòng, chống bệnh dịch nói chung, bệnh DTLCP nói riêng của người chăn nuôi dẫn đến tái phát bệnh dịch từ các ổ bệnh cũ. Bên cạnh đó, việc tái đàn lợn ở một số nơi chưa theo khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh bùng phát. Để tránh bệnh dịch tiếp tục lây lan ra diện rộng, chi cục đã chỉ đạo sát sao TTDVNN các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát tại cơ sở, tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi hiểu và nắm rõ tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP; tăng cường phối hợp với các xã, phường, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Từ đầu năm đến nay, chi cục đã cấp phát 3.650 lít thuốc sát trùng và hơn 4 tấn vôi bột cho các huyện, thành phố để thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch. Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra trực tiếp tại các huyện phát sinh ổ bệnh để có sự chỉ đạo kịp thời. Cụ thể, từ ngày 22/5/2023 đến nay, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tại các huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình… Qua kiểm tra cho thấy các ổ bệnh cơ bản đã được khống chế.

Với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp và sự chủ động của người dân, các ổ bệnh DTLCP đã và đang từng bước được khống chế. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống bệnh dịch đạt hiệu quả lâu dài, các hộ chăn nuôi cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống bệnh dịch, tuyệt đối không được chủ quan hay “giấu” bệnh dịch. Có như vậy, bệnh dịch mới không tái phát trên diện rộng và đảm bảo an toàn chăn nuôi theo hướng lâu dài.

Mai Linh – Kim Huyên

Nguồn: Báo Lạng Sơn
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *