Năm nay, tuy được mùa nhưng mật ong rớt giá thảm, mỗi kg mật bán ra chỉ mua được 1 chai nước lọc, khiến người nuôi ong trang trại trong tỉnh lao đao, chịu lỗ giữ nghề.
Những rừng keo im mát dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… là nơi nuôi ong thích hợp. Trung bình mỗi huyện có từ 50 – 70 trại nuôi ong mật. Mỗi trại có từ 150 – 600 đàn ong. Trong ảnh: Một trại ong mật ở xã Đức Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Huy Thư
Theo các chủ trại nuôi ong, mùa mật năm nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, các đàn ong cho lượng mật khá. Hiện đang giữa mùa lấy mật, tranh thủ những ngày nắng nóng, các trại ong đang tích cực thu hoạch mật ong. Trong ảnh: Thu hoạch mật ong ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Huy Thư
Hiện nay, hầu như tất cả các trại ong đều nuôi ong ngoại (ong Ý) với ưu điểm dễ thích nghi với môi trường, phát triển mạnh, cho sản lượng mật cao. Trung bình cứ 7 – 10 ngày, các trang trại lại quay mật mỗi lần. Những thùng ong với số quân lớn, các cầu đều đầy ong thợ có thể cho thu hoạch 1 mùa mật trên dưới 100 kg mật ong. Ảnh: Huy Thư
Mùa thu hoạch mật ong kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9. Mỗi đợt thu hoạch mật, các cầu ong được lựa chọn, sắp xếp, bổ sung để các đàn ong phát triển tốt hơn. Ảnh: Huy Thư
Theo các chủ trại nuôi ong ở huyện Anh Sơn, mỗi năm các trại nuôi ong du cư thường di chuyển vòng quanh từ Nam ra Bắc. Tầm tháng 2, từ miền Nam, các trại sẽ đưa ong ra các tỉnh miền Bắc để tranh thủ mùa hoa nhãn, hoa vải, khoảng tháng 4 sẽ đưa ong về Nghệ An để lấy mật keo. Chất lượng mật keo cũng không thua, thậm chí được đánh giá là tốt hơn nhiều loại mật khác. Ảnh: Huy Thư
Mỗi đợt quay mật, các trại ong đều huy động thêm nhân lực để di chuyển cầu ong, quay thùng, đóng mật… Hiện nay, các trại ong đều sử dụng thùng inox quay mật đảm bảo vệ sinh. Mỗi buổi sáng, một trại ong có thể quay được vài tấn mật. Ảnh: Huy Thư
Anh Vũ Văn Duy (41 tuổi) quê ở tỉnh Hải Dương đang nuôi ong ở xã Đức Sơn (Anh Sơn) cho hay: Hiện trên địa bàn xã Đức Sơn có khoảng 10 trại ong. Trại của anh đang nuôi 600 đàn, được gây dựng từ nhiều năm qua. Mỗi lần lấy mật, trại ong cho thu hoạch từ 1,3 – 2,5 tấn mật ong . “Năm nay được mùa nhưng mất giá, nên người nuôi ong không có lãi, thậm chí lỗ” – anh Duy nói. Ảnh: Huy Thư
Đang giữa mùa mật, các trại ong đều cho chất lượng mật tốt, màu đẹp, độ ngọt dịu. Những loại mật có màu vàng sáng được giá hơn những loại mật sậm màu. Màu mật càng đậm thì càng mất giá. Đầu năm 2022, giá mật ong dao động trong khoảng 20.000 – 21.000 đồng/kg. Cùng thời gian này năm ngoái, giá mật khoảng 16.000 – 17.000 đồng/kg. Hiện giá mật ong được thu mua ở các trại ong trên địa bàn Nghệ An chỉ dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí những loại mật xấu chỉ bán được 7.500 – 8.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư
Ông Phùng Văn Vân (60 tuổi) thường trú ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pả (Gia Lai) đang nuôi ong ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương) chia sẻ: Tôi đã có hàng chục năm trong nghề. Hiện tại đầu vào cao, đầu ra thấp, chưa bao giờ giá mật ong thấp như hôm nay. Mỗi kg mật bán chỉ đủ mua 1 chai nước lọc, sản lượng thì có, nhưng thu nhập thì không. Mật ong rớt giá khiến người nuôi ong lao đao, một số trại đã phải bán ong, bỏ nghề, một số người đang cầm cự, thậm chí bỏ vốn giữ nghề. Trong ảnh: Trại ong ở địa hình cheo leo, gánh mật lên dốc khá vất vả. Ảnh: Huy Thư
Theo các chủ trại nuôi ong, mật ong trong nước rớt giá mạnh vì không xuất khẩu ra nước ngoài được, đặc biệt là vào thị trường Mỹ. Do vậy, các công ty mật trong nước phải nhập vào giá thấp. Mật rớt giá, chi phí vật tư cao, tiền thuê nhân công cao, khiến trang trại nuôi ong bị ảnh hưởng nặng. Một nhân công làm mật thu nhập khoảng 450.000 – 500.000 đồng/ngày. Ảnh: Huy Thư
Anh Lê Văn Luận (26 tuổi) quê xã Thanh Hương (Thanh Chương) đang thu mua mật cho 1 công ty mật ong ở Đắk Lắk cho biết: Cơ sở của anh thu mua mật khắp các huyện ở Nghệ An. Mỗi tháng mua vào khoảng 120 tấn mật với giá 9.000 – 10.000 đồng/kg. Giá thu mua mật tại Nghệ An phụ thuộc vào “công ty mẹ” ở Đắk Lắk. Nghề nuôi ong du cư đang lâm vào tình trạng mua đắt bán rẻ, không bán không được, tiến thoái lưỡng nan… Ảnh: Huy Thư
Huy Thư
Nguồn: Báo Nghệ An