Để Gà Đông Tảo Đẻ Trứng Đều, Tỷ Lệ Nở Cao

Trong chăn nuôi Gà đông tảo sinh sản, việc đàn gà mái đông tảo đẻ đều, đẻ lâu, cho sản lượng trứng với tỷ lệ nở cao và ổn định quyết định hiệu quả chăn nuôi.

Chọn gà mái đẻ tốt, đẻ khỏe: Khi mua giống gà sinh sản nên mua tăng thêm 50% số con để trong thời gian nuôi hậu bị loại bỏ những con không đạt tiêu chuẩn.
 
Kinh nghiệm cho thấy, nên loại bỏ những gà mái hậu bị 2 lần lúc 3 và 5 tháng tuổi, loại bỏ những con bụng xệ quá béo, chân nhỏ,chân vàng, mắt lệch, đi lại nặng nề chậm chạp.
 
 
Chăm sóc để gà đủ tuổi đến trên 6 tháng tuổi mới vỗ đẻ, cho uống đủ nước pha chất điện giải những ngày nắng nóng. Cho uống vitamin ADE thường xuyên và trộn thêm vỏ sò, bột sương xay nhỏ vào cám cho gà ăn giúp cho gà đẻ khỏe, trứng to, vỏ dày và sáng.
 
Những ngày nóng >35oC cần phun mưa cho mái tôn hay mái pro-xi măng giúp chuồng gà đẻ giảm nhiệt. Nên bố trí ổ đẻ thấp cách nền chuồng 30-40cm. Không nên đặt ổ đẻ giáp mái tôn, mái pro-xi măng phòng gà nằm đẻ bị chết nóng khi gặp nhiệt độ cao.
 
Những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời <13oC cũng cần quây bạt kín quanh chuồng, thắp bóng điện tròn sưởi ấm cho gà.
 
Gà đông tảo sinh sản
 
1. Phương pháp nâng cao sản lượng trứng cho Gà Đông Tảo
 
Thông thường, gà đẻ sẽ thay lông hoàn toàn sau một chu kỳ đẻ trứng (khoảng 80 tuần tuổi). Khi thay lông, năng suất trứng sẽ giảm, vì vậy, đàn gà giữ được bộ lông trong suốt quá trình đẻ sẽ góp phần giúp ổn định năng suất.
 
Những điều cần lưu ý để kéo dài thời gian cho trứng của gà đẻ:
 
– Giống: Nên chọn giống gà khỏe mạnh và thích nghi tốt với điều kiện của vùng nuôi.
– Quy mô nuôi: Số lượng đàn gà phù hợp với khả năng đầu tư và quản lý của người chăn nuôi.
– Dinh dưỡng trong giai đoạn gà con và gà hậu bị: Thông thường, đến 12 tuần tuổi gà đã hoàn chỉnh khung xương, vì vậy nên cho ăn thức ăn chứa nhiều chất khoáng, đạm, lưu ý không để gà quá mập hoặc quá gày.
– Dinh dưỡng trong giai đoạn gà đẻ: Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối giúp gà cho năng suất trứng ổn định.
Ngoài ra, cần giữ chuồng trại thông thoáng, áp dụng quy trình phòng bệnh hợp lý.
 
Việc kéo dài thời gian khai thác trứng của gà phải được chuẩn bị ngay từ khi còn nhỏ đến suốt thời gian đẻ trứng. Năng suất chỉ thể hiện tốt khi được nuôi trong điều kiện thích hợp về thức ăn, môi trường, chuồng trại,…
 
Từ ngày thứ 61 trở đi cho ăn, uống tự do, tăng thời gian chiếu sáng lên 14 – 16 giờ/ngày.
 
Lưu ý: Phải tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm trước khi thực hiện quy trình thay lông 1 – 2 tuần.
 
2. Để gà đẻ trứng tốt trong mùa hè
 
Mùa hè nóng bức, sức ăn của gà giảm, gà đẻ trứng sẽ ít. Để đẻ trứng nhiều, hộ chăn nuôi cần tạo chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ.
 
Cần chú ý hàm lượng các vi chất trong thành phần thức ăn đối với gà đẻ, bổ sung thêm 1,5% protein (đậu nành) tỷ lệ khoảng 18% trong khẩu phần thức ăn; ngũ cốc (ngô) không quá 50-55% bảo đảm sự cân bằng amino axit. Bổ sung bã đậu, khô lạc, các loại bánh bã gạo trong thức ăn cho gà đẻ khoảng 20-25%, lưu ý các loại thức ăn chứa protein (giảm bột cá), tăng hàm lượng thức ăn thực vật để gà ăn ngon miệng. Đồng thời cần bổ sung thêm 0,1-0,4% vitamin C và 0,2-0,3% chloride vào khẩu phần ăn của gà để giải nhiệt, thêm 0,04% kẽm kháng sinh vào thức ăn hằng ngày của gà để nâng cao chuyển hóa thức ăn; cho thêm 0,1% axit fumaric vào thức ăn hoặc nước uống của gà sẽ có tác dụng giải nóng, giảm căng thẳng, gia tăng sức ăn và tỉ lệ đẻ trứng của gà.
 
Theo traigadongtao.com
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *