Chẩn đoán các nguyên nhân truyền nhiễm gây rối loạn sinh sản trên heo

Hội chứng rối loạn sinh sản hay thất bại sinh sản trên heo thường được nhắc đến trong chăn nuôi nái sinh sản. Đây là hội chứng phức tạp bao gồm nhiều vấn đề làm giảm năng suất của heo nái sinh sản như phối không đậu thai, sẩy thai, chửa giả, thai khô, heo

Có nhiều nguyên nhân gây thất bại sinh sản trong chăn nuôi heo, bao gồm những nguyên nhân không truyền nhiễm như yếu tố di truyền, quản lý, dinh dưỡng, stress, độc tố, rối loạn kích thích tố (KTT), v.v…Đáng quan tâm là những nguyên nhân truyền nhiễm do các vi sinh vật vì bệnh không chỉ giới hạn ở cá thể, trại mà có thể lây lan thành dịch trên diện rộng gây tổn thất lớn. Tuy nhiên, để chẩn đoán được nguyên nhân gây ra thất bại sinh sản trên đàn heo là vấn đề không đơn giản. Với tầm quan trọng đó, trong chuyên đề thông tin khoa học này, tôi đề cập các nguyên nhân truyền nhiễm phổ biến xảy ra trên heo, cách chẩn đoán và phòng trị.

 

 

1. Những đặc điểm của rối loạn sinh sản do các nguyên nhân truyền nhiễm

Tuy rối loạn sinh sản do nguyên nhân không truyền nhiễm và truyền nhiễm đều đưa đến nhưng biểu hiện giống nhau như phối không đậu thai, chửa không đẻ, sẩy thai, heo chết trước lúc sinh, số con trên lứa đẻ thấp, …Tuy nhiên rối loạn sinh sản do các nguyên nhân truyền nhiễm có đặc điểm riêng mà những người làm công tác thú y và người chăn nuôi cần phải quan tâm. Đó là ở những đàn heo bị rối loạn sinh sản do vi sinh vật có thể có tất cả hoặc một số biểu hiển trên đàn heo như: heo nái và đực giống có biểu hiện sốt, bỏ ăn, có hiện tượng sẩy thai và lên giống dài hơn chu kỳ, số heo con sinh non, heo sơ sinh yếu và tỷ lệ thai khô và/hoặc heo con chết trước lúc sinh nhiều đáng kể.

Nhiễm khuẩn huyết, virus huyết và nhiễm độc huyết gây ra các triệu chứng toàn thân trên heo mẹ, tác động đến hợp tử bởi phản ứng sốt. Ngoài ra, một số vi sinh vật có thể nhân lên và phát triển mạnh ở phôi và thai. Mức độ ảnh hưởng của vi sinh vật đến hợp tử tùy thuộc vào thời điểm nhiễm trùng của thai kỳ và độc lực của tác nhân gây bệnh.

Nếu vi sinh vật gây chết toàn bộ hợp tử ở giai đoạn phôi làm tổ(12 – 23 ngày sau khi phối), con cái sẽ động dục trở lại gần như đúng chu kỳ (18 – 24 ngày sau khi phối).

Nếu toàn bộ hợp tử đã định vị ở nội mạc sừng tử cung nhưng chết trước thời kỳ can-xi hoá,heo nái thường lên giống dài hơn chu kỳ (khoảng 30 – 40 ngày sau khi phối giống).

Nếu thai đã hình thành xương và sau đó thai bị chết,sự tái hấp thu không hoàn toàn xảy ra, kết quả là thai khô (thai hóa gỗ). Khi toàn bộ thai trong tử cung bị khô, heo nái sẽ không lên giống trở lại trong một thời gian dài, bụng nhỏ lại và không đẻ.

Hiện tượng sẩy thai có thể gặp ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, heo nái có thể lên giống lại sau 5 – 10 ngày.

Nếu toàn bộ thai gần đến ngày sinh bị chết, dẫn đến hiện tượng đẻ non hoặc heo con chết trước lúc sinh.

Hậu quả của sự nhiễm trùng trong thời gian mang thai được thể hiện qua sơ đồ sau:

 

Sơ đồ 1.Hậu quả của sự nhiễm vi sinh vật trong thời gian mang thai

Nhiễm vi sinh vật trong thời kì mang thai

 

2. Những bệnh truyền nhiễm quan trọng gây rối loạn sinh sản trên heo

 

a. Bệnh do vi khuẩn

Thuộc nhóm này bao gồm bệnh xoắn khuẩn do Leptospira, bệnh sẩy thai truyền nhiễm do Brucella và các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục.

– Bệnh xoắn khuẩn (Leptospirosis)

Leptospira icterogans(đặc biệt nhóm huyết thanh Pomona) là nguyên nhân quan trọng gây thất bại sinh sản trên heo. Bệnh có thể lây truyền giữa gia súc và người. Đây là bệnh khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (Boqvist và cs, 2002). Triệu chứng của heo lứa và heo thịt khi bị nhiễm bệnh thường không rõ ràng, bệnh có thể làm giảm sức khỏe đàn heo. Heo con và heo nái mang thai thường mẫn cảm với bệnh hơn.

Một số heo con bệnh cấp tính có thể thấy triệu chứng sốt, ăn ít, tiêu chảy. Do Leptospira sản sinh độc tố phá hủy hồng cầu, phóng thích hemoglobin và chuyển hóa thành bilirubin, do đó con vật mắc bệnh có biểu hiện vàng da, tiểu ra huyết sắc tố hoặc nước tiểu vàng (thường gặp ở heo dưới 3 tháng tuổi, khi nhiễm với nhóm huyết thanh Icteroheamorrhagiae) là đặc điểm riêng của bệnh. Hiện tượng sẩy thai do Leptospira rất phổ biến và thường gặp ở giai cuối của thai kỳ với toàn bộ thai chết. Đặc điểm quan trọng để phân biệt rối loạn sinh sản do Leptospira với các nguyên nhân khác là thai và nhau bị nhuộm bởi bilirubin nên có màu vàng. Trong trường hợp nái mắc bệnh mãn tính có thể thấy heo nái đẻ ra heo con chết trước lúc sinh hoặc heo con yếu ớt.

Biến đổi đại thể trên thai thường không đặc trưng, một số thai thủy thũng, có máu và thanh dịch trong dịch các xoang, vỏ thận xuất huyết, bệnh tích điển hình nhất là có những nốt hoại tử nhỏ màu trắng xám ở gan, có những điểm viêm lấm tấm ở tổ chức kẽ của mô thận.

 

 

          

Thai (A), mô và cơ quan nội tạng thai nhuộm vàng bởi bilirubin (B)

 

– Bệnh sẩy thai truyền nhiễm do Brucella (brucellosis)

Brucella suislà một trong những nguyên nhân gây giảm năng suất sinh sản trên heo ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nơi heo nhà có điều kiện tiếp xúc với heo rừng. Ngoài heo rừng, nhiều loài động vật khác cũng được xem là ổ chứa vi khuẩn như dê, cừu, trâu bò, chó, chuột, chim, v.v. Bệnh có thể lây truyền từ heo sang người và các loài gia súc khác. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đã giảm đi rất nhiều và không được ghi nhận ở nước ta (Ho Thi Viet Thu và cs, 2000).

Triệu chứng quan trọng nhất thường gặp ở heo nái mang thai là sẩy thai và vô sinh. Sẩy thai có thể xẩy ra bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Hiện tượng sẩy thai là do vi khuẩn gây viêm nội mạc tử cung và phá hủy nhau thai dẫn đến toàn bộ thai chết. Hiện tượng chết phôi thường gặp nhất trong trường hợp nhiễm trùng qua đường sinh dục lúc phối giống (Deyoe và Manthei, 1969), sẩy thai rất sớm có thể chỉ 17 ngày sau khi phối giống. Do các phôi ở giai đoạn này được tái hấp thu nên không thấy biểu hiện bên ngoài nhưng sẽ có tỉ lệ lớn heo cái trong đàn động dục lại sau khi phối từ 30-45 ngày. Trong trường hợp sẩy thai sớm, người ta không thấy hoặc chỉ có một ít dịch chảy ra từ âm hộ. Sự sẩy thai ở giữa và cuối thai kỳ thường do heo bị nhiễm ở giai đoạn 35-40 ngày sau khi phối. Trước và sau khi sẩy thai có thể thấy dịch nhớt chảy ra từ âm môn. Sau khi sẩy thai, heo cái có thể không động dục trở lại sau 2-3 chu kỳ; sau đó, heo động dục và đậu thai bình thường. Ngoài ra, trước khi sẩy thai heo nái có thể bị tiêu chảy, kém ăn, thủy thũng ở vú. Không có bệnh lý đặc trưng ở thai sẩy, điểm đặc trưng để chẩn đoán là nhau và cuống nhau thai thủy thũng, sung huyết, hoại tử, những thai chết của một lứa đẻ có kích thước đồng đều, phù dưới da, tích dịch ở xoang bụng.

Bệnh sẩy thai truyền nhiễm do Brucella khác với do Leptospira ở chỗ sẩy thai ở bất cứ giai đoạn nào và có liên quan đến hiện tượng rối loạn vận động (què, bại liệt thân sau) và viêm tinh hoàn ở heo đực giống.

 

b. Nhiễm trùng cơ hội đường sinh dục

Có rất nhiều loại vi khuẩn cơ hội có ở phía ngoài âm đạo và môi trường xung quanh có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục như Actinomyces pyogenes, Chlamydia, E. coli, Eubacterium suis, Erisypelothrix spp, Klebsiella, Leptospira brastislava/muenchen, Pasteurella spp, Proteus, Pseudomonas, Staphylococci, Streptococci. Trong đó nguyên nhân quan trọng là E. coli, Streptococci nhóm C và Actinomyces (Muirhead và Thomas, 2002).

Vi khuẩn có sẵn trong môi trường, xâm nhập qua cổ tử cung của heo nái lúc đẻ nếu môi trường không được vệ sinh. Vi khuẩn lan tràn trong đường sinh dục, phát triển và gây viêm đường sinh dục, trong đó bệnh viêm tử cung thường nặng và gây ảnh hưởng kinh tế nhiều nhất. Heo mắc bệnh viêm tử cung có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, dịch viêm chảy từ âm hộ có màu trắng đục hoặc hơi vàng đặc, có mùi hôi. Heo mẹ có thể mất sữa do sốt hoặc viêm vú, heo con suy dinh dưỡng và tăng tỷ lệ chết trước cai sữa tăng cao. Đôi khi heo nái có thể chết do độc tố của vi khuẩn, kiểm tra tử cung heo nái có nhiều chất dịch, có mùi hôi và màng nhau bị phân hủy. Heo nái khỏi bệnh, tỷ lệ đậu thai và năng suất sinh sản ở các lứa sau giảm.

Ngoài ra, mầm bệnh có thể xâm nhập vào tử cung ở thời kỳ động dục hoặc lúc phối giống, sự nhiễm trùng ở tử cung có thể làm giảm sức sống của các tế bào sinh dục, ảnh hưởng đến sự thụ tinh. Trong trường hợp nhiễm trùng mãn tính, những bệnh tích lâu dài trong ống dẫn trứng gây trở ngại cho sự di chuyển của tế bào sinh dục và của hợp tử cũng như cản trở sự định vị của phôi trong tử cung. Kết quả là heo nái động dục trở lại sau khi phối giống đúng chu kỳ hoặc dài hơn chu kỳ. Con vật thường không có triệu chứng hoặc chỉ sốt nhẹ và có thể thấy dịch viêm chảy một cách bất thường và kéo dài trong lần động dục kế tiếp. Ngoài ra, prostaglandin được sản xuất trong quá trình viêm là nguyên nhân quan trọng gây hiện tượng sẩy thai.

Bệnh nhiễm trùng đường sinh dục có đặc điểm riêng là thường ở dạng âm ỉ, lẻ tẻ, hiếm khi phát triển thành ổ dịch, bệnh thường ảnh hưởng đến sự thụ thai, đặc trưng là động dục trở lại sau khi phối, có dịch viêm từ âm đạo.

 

Theo UV – VIỆT NAM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *