Trong thời gian còn bú mẹ, heo con được nhận các globulin miễn dịch IgA trong sữa (ngoài các IgG, IgM và IgA trong sữa đầu ở 24 giờ đầu tiên sau đẻ). IgA được hấp thu vào niêm mạc và bao phủ bề mặt lông nhung để ngăn ngừa và tiêu diệt vi khuẩn E. coli và các vi sinh vật khác bám lên lông nhung rồi xâm nhập vào trong ruột.
Khi cai sữa thì nguồn IgA từ sữa mẹ không còn nữa, lập tức các vi khuẩn làm hỏng lông nhung và làm cho chúng co lại. Việc này làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất của ruột và khả năng tiêu hóa của lợn con. Các enzyme sản xuất bởi các tế bào của các nhung mao cũng giảm thấp. Những thay đổi trong kết quả tiêu hóa và hấp thu có thể gây tiêu chảy hoặc không gây ra hiện tượng tiêu chảy. Các nhung mao sẽ được tái tạo lại với cấu trúc và chức năng bình thường trong vòng 5 đến 7 ngày sau khi cai sữa. Tỷ lệ tái sinh phụ thuộc một phần vào nhiệt độ môi trường và sức khỏe heo con. Nếu lợn cai sữa trong một môi trường lạnh với nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ tối thiểu, thì tỷ lệ tái sinh của các nhung mao bị giảm xuống và trong một số trường hợp chúng bị bất triển hoàn toàn. Điều này dẫn đến lợn bị còi cọc, ốm còm và lông xù.
Bên cạnh đó, trước khi cai sữa lợn con bú sữa mẹ, là một loại thức ăn lỏng đều đặn. Kết quả là hệ vi khuẩn đường ruột rất ổn định, mặc dù tương đối đơn giản hơn so với hệ vi sinh đường ruột ở heo trưởng thành. Lúc cai sữa heo con bị chuyển đổi thức ăn cách đột ngột, lại không còn IgA để bảo vệ và có một khoảng thời gian bị đói, cùng với đó là những nỗ lực không thường xuyên để ăn thức ăn rắn. Điều này dẫn đến sự phá hủy mạnh mẽ đối với hệ vi khuẩn của ruột mà có thể kéo dài 7-10 ngày trước khi ổn định trở lại. Sự rối loạn hệ vi sinh này cũng góp phần làm khả năng tiêu hóa kém và có thể gây tiêu chảy, đặc biệt là khi trong trại có tồn tại mức độ cao các chủng gây bệnh của vi khuẩn E. coli.
Về mặt thói quen sinh hoạt, trước khi cai sữa heo con đang có một cuộc sống có trật tự, với các anh em cùng lứa đẻ, được bú một lượng sữa nhỏ đều đặn, ngủ trong chuồng úm ấm áp. Tất cả những điều này đột nhiên bị thay đổi khi cai sữa, chúng bị đưa vào một môi trường xa lạ với những lợn con mới và không hề quen biết, lại chỉ có thức ăn viên khô cứng. Chấn thương tâm lý là không thể tránh khỏi và có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến một số con, dẫn đến suy giảm khả năng tiêu hóa và giảm sức đề kháng với bệnh tật. Những căng thẳng tâm lý này được giảm thiểu càng nhiều càng tốt. Nếu tăng trưởng kém xảy ra rõ rệt trong bảy ngày đầu tiên sau cai sữa thì các vấn đề sau cần được xem xét:
– Kiểm tra trọng lượng của tất cả heo lúc cai sữa xem có đúng mức chuẩn hay không?
– Kiểm tra độ tuổi của heo lúc cai sữa. Heo có trọng lượng nặng hơn nhưng tuổi trẻ hơn thì vẫn có một hệ thống tiêu hóa ít trưởng thành hơn.
– Sử dụng một chế độ khẩu phần dễ tiêu hóa, ngon miệng và nhúng thức ăn này vào nước trước khi cho ăn, trong vài ngày đầu tiên để giúp heo quen dần về mặt cảm giác cũng như sự thích ứng của đường ruột.
– Cho heo con cai sữa ăn vào đĩa ít nhất ba ngày đầu tiên, thay vì máng tự động vì heo chưa biết làm cho thức ăn rớt xuống. Cho ăn 4-5 lần mỗi ngày, mỗi lần một lượng nhỏ và loại bỏ thức ăn thừa cũ.
– Giúp heo dễ dàng tiếp cận với nước uống sạch và đầy đủ.
– Sử dụng kháng sinh trong thức ăn hoặc nước uống trong mười ngày đầu tiên sau cai sữa để hạn chế sự phát triển và gây bệnh của vi khuẩn.
– Đảm bảo nhiệt độ môi trường là không đổi và thích hợp cho heo con, đặc biệt trong bốn ngày đầu tiên sau cai sữa.
– Đảm bảo chuồng trại khô ráo thoáng mát, sạch sẽ và ấm áp, không mưa tạt gió lùa và môi trường cũng cần yên tĩnh. Nếu có thể, nên cung cấp chất lót nền/sàn chuồng cho heo con.
– Sàng lọc các heo con nhỏ nhất trong mỗi chuồng sau 7-10 ngày và gom chúng lại với nhau trong một chuồng riêng để tiện chăm sóc đặc biệt hơn. Chế độ ăn uống của chúng sau đó có thể được điều chỉnh cho phù hợp. Tóm lại, các yếu tố quan trọng làm cho lông nhung đường ruột bị teo bao gồm:
- Tuổi của lợn lúc cai sữa
- Trọng lượng của heo lúc cai sữa
- Nhiệt độ môi trường và biến động của nó
- Lượng ăn vào và dạng thức ăn (khô cứng, viên hay bột)
- Khả năng tiêu hóa của thức ăn
- Chất lượng của các protein trong thức ăn
- Nồng độ của protein sữa