Kinh nghiệm về nuôi bồ câu

1. Về giống và công tác giống:
 
– Hiện nay, chim bồ câu Pháp có 2 dòng cơ bản đó là: dòng siêu nặng (màu lông đa dạng: trắng, đốm, xám, nâu) và dòng siêu lợi (lông màu trắng xám). Cả hai dòng này đều có khối lượng trưởng thành tương đương nhau và có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu của nước ta.
– Khi mua giống về nuôi, nên mua chim đã thành thục (4-5 tháng tuổi) vì khi đó chúng dễ nuôi, khả năng sống sót cao.
– Khi mua về làm giống phải mua theo cặp: 1 trống- 1 mái (đôi).
– Chim bồ câu được chọn làm giống phải bảo đảm khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông mượt; không chọn mua những con có bệnh tật, dị tật về làm giống.
 
2. Chuồng nuôi và thiết bị nuôi chim:
 
– Hướng chuồng, lồng: tốt nhất là hướng đông – nam để bảo đảm chuồng thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Mái chuồng và tường bao xung quanh chuồng nuôi phải được thiết kế tốt bảo đảm chống mưa tạt, gió lùa. Tối kỵ việc đặt chuồng nuôi, lồng nuôi chim về hướng tây.
– Chuồng nuôi phải bảo đảm chắc chắn nhằm ngăn chặn sự phá hoại của mèo, chuột…, tạo điều kiện thuận lợi để chim giao phối, ấp nở và nuôi con.
– Khu vực nuôi chim cần có sự yên tĩnh, tránh tiếng ồn.
– Không nên đặt chuồng nuôi chim với các loài gia cầm khác.
– Trong khu vực chuồng nuôi, lồng nuôi phải có các thiết bị khác như máng ăn, máng uống và ổ đẻ cho chim.
 
3. Về thức ăn và nhu cầu thức ăn hàng ngày của chim:
 
Thức ăn chủ yếu của chim là: thóc, ngô, gạo, đậu các loại, lạc,… trong đó ngô là thành phần chính của khẩu phần và bảo đảm sạch, chất lượng tốt, không mốc, mọt.
Tùy theo từng loại chim mà chúng ta cho ăn với số lượng thức ăn khác nhau, thông thường lượng thức ăn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể:
– Chim dò (2-5 tháng tuổi): 40-50g thức ăn/con/ngày:
– Chim sinh sản và nuôi con (6 tháng tuổi trở đi): 125-130g thức ăn/đôi/ngày.
– Khi không nuôi con: 90-100g thức ăn/đôi/ngày.
Tổng lượng thức ăn/đôi sinh sản/năm: 45-50kg.
 
4. Về nước uống:
 
Nước phải sạch sẽ và phải thay hằng ngày. Có thể bổ sung vào trong nước vitamin và kháng sinh để phòng bệnh khi cần thiết, trung bình mỗi chim bồ câu cần 50-90ml/ngày.
 
5. Về chăm sóc và nuôi dưỡng chim bồ câu:
 
Khi ghép đôi xong, quen với chuồng và ổ, chim sẽ đẻ, nơi ấp trứng phải yên tĩnh.
Khi chim ấp được 18 – 20 ngày sẽ nở, nếu quả trứng nào mổ vỏ lâu mà chim không đạp vỏ trứng chui ra thì người nuôi cần trợ giúp bằng cách bóc vỏ trứng để chim non không chết ngạt trong trứng.
Khi chim non được 7-10 ngày mới tiến hành cho ổ đẻ thứ hai vào. Sau khi tách mẹ, ổ đẻ tương ứng được bỏ ra rửa sạch, phơi khô để bố trí lứa đẻ tiếp theo.
Sau khi được 28-30 ngày tuổi chúng ta tiến hành tách chim non khỏi mẹ. Giai đoạn này chim còn yếu, khả năng đề kháng và khả năng tiêu hóa kém, dễ sinh bệnh. Do đó cần chú ý công tác chăm sóc nuôi dưỡng. Giai đoạn này nên bổ sung vitamin A, B, D, các chất kháng sinh… vào nước uống để chống mềm xương, trợ giúp tiêu hóa và chống các bệnh khác.
 
6. Vệ sinh phòng bệnh:
 
Thường xuyên vệ sinh, quét dọn chuồng trại, cần thay lót ổ thường xuyên (2-3 ngày/lần), để tránh sự tích tụ phân, chất thải trong chuồng nuôi vì đó là nơi sống lý tưởng cho các loại mầm bệnh như ký sinh trùng, vi khuẩn và virus.
Máng ăn, máng uống phải được vệ sinh hàng ngày, thức ăn phải được thay mới thường xuyên. Tránh để thức ăn tồn dư quá lâu trong máng ăn.
 
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *