Bồ câu là loài động vật có sức đề kháng tương đối tốt nên ít khi mắc phải những bệnh khó chữa. Tuy nhiên, chúng ta nên giúp chim bồ câu phòng tránh bệnh.
1. Phòng bệnh chung:
Về thức ăn, ko được cho chim ăn thức ăn mốc, ẩm.
Nước uống phải sạch hoặc nước vôi loãng.
Thường xuyên chủng vacxin định kì, đối với chim non ta phải chủng ngừa đủ 3 loại vacxin lasota, gumboro, marek để chim phòng tránh một số bệnh thường gặp ở chim bồ câu, tạo điều kiện có kháng thể để chữa trị bệnh cho chim được dễ dàng hơn.
Đối với chim bố mẹ, 6 tháng ta chủng ngừa vacxin một lần đủ 3 loại lasota, gumboro, marek để tăng cường sức đề kháng cho chim.
Cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, tránh ẩm ướt vào mùa xuân.
Cần bổ sung muối khoáng cho chim thường xuyên để chim hấp thụ vào cơ thể những chất không thể tự kiếm giúp chim có đủ sức khỏe để kháng chịu với thời tiết và môi trường sống nuôi nhốt.
Trong quá trình sử dụng thuốc, chúng ta nên dùng chất điện giải để cho chim hấp thụ thuốc tốt hơn, làm tăng cường hệ miễn dịch cho chim
2. Một số bệnh thường gặp:
– Bệnh đường hô hấp:
Bồ câu bị bệnh ở hai thể:
Thể cấp tính: Thường thấy ở chim non với các triệu chứng điển hình như chảy nước mắt, nước mũi, thở khó. Sau đó miệng và mũi chim viêm hoại tử, có màng giả, chảy dịch nhầy trắng, vàng xám. Chim bị chết sau 7-10 ngày.
Thể mãn tính: Thường xảy ra ở chim trưởng thành; các triệu chứng nhẹ hơn.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin Hecpervirus. Thực hiện vệ sinh phòng bệnh khu chăn nuôi bồ câu và môi trường. Phát hiện sớm chim bệnh, cách ly điều trị.
– Bệnh giun:
Có thể tẩy giun bằng Piperazin adipinat (dùng liều 0,3g/kg thể trọng trộn với thức ăn cho chim, giun sẽ ra ngoài sau 3-5 giờ) hoặc Mebendazol (dùng liều 0,1g/kg thể trọng; chia 2 lần trộn với thức ăn cho chim, giun sẽ ra khỏi ruột 4-6 giờ sau khi tẩy).
Phòng bệnh: Tẩy định kỳ cho toàn đàn chim 4-6 tháng /lần bằng Piperazin; thực hiện vệ sinh chuồng trại.
– Bệnh cầu trùng:
Bệnh thường thấy ở bồ câu non từ 1-4 tháng tuổi với các hội chứng ỉa lỏng, phân có nhiều dịch nhầy và đôi khi có màu sô -cô-la do bị xuất huyết.
Sử dụng 1 trong các hoá dược đặc hiệu như Esb3, Grigecoccin, Cocci-stop, Sulfamerazin, Sulfaquinoxalin…, dùng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.
– Bệnh đậu: do virus thuộc nhóm đậu gà Avian poxvirus, họ Poxviridac gây ra
Triệu chứng: trên mặt, đầu, cánh, chân, mỏ có những cục đỏ sưng tấy, sau 24h chúng trở lên khô và tạo thành gồ trai và cứng, có biểu hiện vỡ cục và nứt vùng quanh hạt đậu. Bệnh lây lan qua không khí, ăn uống trong môi trường ẩm thấp và mất vệ sinh
Chữa trị: khi phát hiện hạt đậu ở trên người chim bồ câu, chúng ta nên dùng kéo tách cắt các hạt đậu ra khỏi cơ thể chim bồ câu. Dùng nước muối vôi loãng xoa lên chỗ bị đậu, lấy giấy thấm khô. Sau đó ta bôi thuốc xanh methylen lên vùng vết cắt. Sau 24h, kiểm tra không thấy vết cắt sưng tấy mà có dấu hiệu đóng vẩy là chữa trị đã đạt hiệu quả. Ta nên dùng bổ sung thêm điện giải cho vào nước uống để chim giải độc tố trong gan, giúp chim mau lành bệnh.
3. Lịch tiêm phòng cho chim bồ câu:
– 3 ngày tuổi nhỏ vacxin Lasota hoặc ND.IB, 2 tuần sau nhỏ nhắc lại lần 2. Sau đó cứ 1 – 2 tháng cho uống một liều vacxin ND.IB (hoặc Lasota) để phòng bệnh Niu cát xơn và bệnh viêm phế quản truyền nhiễm.
Tốt nhất đối với bồ câu ngoài 1 tháng tuổi tiêm vacxin nhũ dầu với liều 0,3ml/con hoặc H1 (M) tiêm liều như cho gà để phòng bệnh Niu cát xơn.
– Qua 10 ngày tuổi chủng đậu cho bồ câu. Cách dùng và liều dùng như chủng cho gà.
– Định kỳ 2 – 3 tuần, đặc biệt khi thời tiết thay đổi cho uống một đợt 3 ngày một trong các loại kháng sinh sau: Pharamox G, Pharmequin, Ampicol, Pharamox (1g/lít nước uống); Enroflox 5% (2g/lít nước uống); Pharmequin-max (1g/2 lít nước uống); Pharcolivet, Ampi-coli pharm (10g/2,5 lít nước uống)… để phòng bệnh tiêu chảy, hô hấp do vi khuẩn.