Phương pháp phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở thỏ.
PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRÊN THỎ
I. NGUYÊN TẮC CHUNG:
Thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch bệnh do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên. Khi mắc bệnh thỏ dễ chết, có khi chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cho nên, phải nuôi thỏ đúng yêu cầu kỹ thuật, chú ý nhất là khâu vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng.
Thông thường, một căn bệnh chỉ xảy ra khi hội đủ 3 yếu tố:
– Xuất hiện mầm bệnh
– Điều kiện vệ sinh môi trường kém
– Sức đề của gia súc giảm
Do đó, với phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: ăn sạch, ở sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Đặc biệt, khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi cần phải vệ sinh, chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt, có thể bổ sung vitamin cho thỏ từ 3-5 ngày để tăng sức đề kháng và chống stress. Phòng bệnh tích cực bằng cách sử dụng vaccin, thuốc kháng sinh để ngăn chặn sự xuất hiện và phát tán mầm bệnh. Thường xuyên theo dõi đàn thỏ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
II. CÁC BỆNH THƯỜNG XẢY RA TRÊN THỎ:
1. Bệnh sình bụng, tiêu chảy:
Thỏ là nhóm vật nuôi nhạy cảm với các loại vi sinh vật, vì vậy cần thận trọng trong vấn đề ăn uống của thỏ.
– Nguyên nhân: Bệnh xảy ra do thỏ ăn phải thức ăn bị ôi thiu, ẩm mốc, hoặc do thay đổi thức ăn đột ngột làm rối loạn tiêu hóa. Các loại thức ăn thô xanh có chứa quá nhiều nước cũng có thể làm thỏ bị tiêu chảy. Bệnh thường xảy ra trên thỏ trưởng thành và thỏ giai đoạn sau cai sữa.
– Triệu chứng: Thỏ bị chướng hơi, bụng phình to, không yên tĩnh, khó thở, chảy nước dãi ướt lông quanh 2 mép. Xuất hiện triệu chứng tiêu chảy: phân chuyển nhanh từ hơi sệt sang lỏng như nước, màu đen, rất hôi thối. Thỏ có thể chết nhanh do mất nước và ngạt thở.
– Điều trị: Ngưng ngay các loại thức ăn, nước uống và những yếu tố gây mất vệ sinh. Có thể sử dụng Streptomycin pha loãng cho uống 2 – 4 lần/ ngày, kết hợp với việc sử dụng nước chiết xuất từ các loại lá có chất chát như búp ổi, búp trà,… và tiêm hoặc uống viatamin A, B để tăng sức đề kháng.
– Phòng bệnh: Sử dụng thức ăn sạch, đảm bảo chất lượng, hợp vệ sinh; Khi thay đổi nguồn thức ăn, cần chuyển tiếp từ từ cho thỏ quen dần; cần phơi hoặc dự trữ trước 1 ngày đối với các loại thức ăn xanh có chứa quá nhiều nước.
2. Bệnh ghẻ:
Là một bệnh khá phổ biến trên thỏ, tuy không gây chết thỏ ngay nhưng thiệt hại về kinh tế rất lớn do mức độ lây lan trong đàn rất nhanh, làm thỏ gầy yếu, chậm lớn.
– Nguyên nhân: Do các loại ký sinh trùng ngoài da gây ra, chủ yếu gồm 2 dạng: ghẻ đầu do loài ghẻ Notoedres ký sinh gây bệnh ở mí mắt, mũi, mép, móng chân, gót chân, da vùng hậu môn và cơ quan sinh dục; dạng ghẻ tai do loài ghẻ Psoroptes ký sinh gây bệnh ở lỗ tai, vành tai. Bệnh thường xảy ra khi điều kiện chăn nuôi vệ sinh kém; xảy ra ở mọi lứa tuổi của thỏ.
– Triệu chứng: Thỏ ngứa, rụng lông và đóng vảy. Ở các điểm ghẻ ban đầu thấy rụng lông, sau đó thấy các vảy rộp máu trắng xám, dầy dần lên và khô cứng lại. Đôi khi dưới vảy ghẻ có mủ do nhiễm trùng gây viêm da. Thỏ không yên tĩnh, kém ăn, gầy dần và chết.
– Điều trị: Thuốc đặc trị là Ivermectin 2.5 (hoặc Bivermectin), sử dụng tiêm dưới da. Liều dùng: 1 ml/ 12 – 15 kg thể trọng, tiêm dưới da.
– Phòng bệnh: Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Chuồng nuôi phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát; mật độ nuôi vừa phải. Thường xuyên kiểm tra, cách ly và điều trị kịp thời những con có biểu hiện bệnh.
Có thể sử dụng thuốc Ivermectin để phòng bệnh ghẻ với liều phòng bằng 1/2 liều điều trị, cách 3 tháng tiêm lặp lại.
3. Bệnh bại huyết thỏ (Haemorrhagic) còn gọi là bệnh xuất huyết:
– Nguyên nhân: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Calicivirus gây ra, có tính lây lan rất nhanh và rộng. Bệnh bùng phát rất nhanh, gây chết thỏ hàng loạt. Bệnh thường xảy ra trên thỏ từ 6 tuần tuổi trở lên.
– Triệu chứng: Thỏ vẫn ăn uống bình thường, đôi khi thỏ lờ đờ, bỏ ăn trong thời gian ngắn rối chết hàng loạt. Trước khi chết, thỏ giãy giụa, quay vòng (triệu chứng thần kinh), máu ộc ra ở miệng, mũi; gan sưng to, bở; vành tim, phổi xuất huyết. Bệnh có thể gây chết trên 90% tổng đàn.
– Điều trị: Khi thỏ đã phát bệnh, việc điều trị hầu như không có kết quả do khả năng lây lan rộng và thỏ chết rất nhanh.
– Phòng bệnh: Tăng cường vệ sinh chuồng trại. Sử dụng vaccin tiêm phòng cho thỏ. Liều dùng: 1 ml/ 1 con thỏ từ 2 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc bắp thịt, cách 4 – 6 tháng có thể tiêm lặp lại.
4. Bệnh tụ huyết trùng:
– Nguyên nhân: Trong niêm mạc khí quản của thỏ thường có vi trùng Pasteurella tiềm sinh. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm sút, vi trùng sẽ tấn công và gây bệnh. Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp; có thể xảy ra trên mọi lứa tuổi của thỏ.
– Triệu chứng: Thỏ kém ăn, sốt cao 41 – 42oC, khó thở, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mũi có lẫn dịch nhờn, gầy yếu dần và chết. Thỏ bệnh ở dạng cấp tính chết rất nhanh, hầu như không thấy rõ triệu chứng.
– Điều trị: Thuốc đặc trị là Streptomycin với liều 0,01g/ kg thể trọng, hoặc dùng Kanamycin với liều 0,05g/kg thể trọng.
– Phòng bệnh: Thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với bệnh Tụ huyết trùng, thường 18 – 24 giờ sau khi phát bệnh thỏ sẽ chết, việc điều trị không hiệu quả. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là phòng bệnh: không nên nhốt thỏ vào chuồng gà, chuồng heo vì có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ các loại gia súc này; tăng cường công tác sát trùng tiêu độc chuồng trại; tăng sức đề kháng cho thỏ bằng cách định kỳ pha vitamin vào thức ăn, nước uống, đặc biệt vào các thời điểm giao mùa nên sử dụng kháng sinh trên để phòng bệnh với liều phòng bằng 1/2 liều điều trị.
5. Bệnh cầu trùng (cocidiosis):
– Nguyên nhân: Do đơn bào ký sinh Eimeria gây nên trong điều kiện chăn nuôi vệ sinh kém. Thỏ con từ 2 tuần tuổi đã có thể nhiễm bệnh từ phân thỏ mẹ thải ra. Thỏ từ 6 – 18 tuần tuổi thường mắc bệnh này.
– Triệu chứng: Thỏ kém ăn, bị xù lông, đôi khi bị ỉa chảy; nếu kết hợp với bệnh viêm ruột, phân có thể lẫn máu. Thân nhiệt cao hơn bình thường, chảy nước mũi, nước dãi. Thời gian mang mầm bệnh kéo dài, thỏ gầy dần rồi chết. Bệnh có thể gây chết 50% tổng đàn.
– Điều trị: Dùng Rabbipain pha 10 g/10 lít nước hoặc trộn 10 g/5kg thức ăn, dùng liên tục từ 3 – 5 ngày.
– Phòng bệnh: Đáy lồng chuồng phải có lỗ, rãnh thoát phân dễ dàng; dọn vệ sinh hàng ngày. Tăng cường sức đề kháng cho thỏ bằng cách bổ sung viatamin, các loại thức ăn có chất lượng. Có thể sử dụng các loại thuốc trên để phòng bệnh với liều sử dụng bằng 1/2 liều điều trị.
6. Bệnh viêm mũi:
– Nguyên nhân: Do thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường chăn nuôi quá chật chội, ẩm ướt, hoặc chuồng nuôi bị gió lùa vào ban đêm.
– Triệu chứng: Thỏ bị ngứa mũi, thường dùng chân trước dụi vào mũi làm trầy sướt. Thỏ bị hắt hơi, chảy nước mũi, kém ăn, lông xù, phản ứng chậm chạp; nếu không điều trị tích cực thường dẫn đến thỏ bị viêm mũi.
– Điều trị: Khi thỏ mới có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi cần phải thay đổi môi trường vệ sinh và nhỏ thuốc Streptomycin, hoặc Kanamycin vào mũi thỏ, mỗi ngày nhỏ 2 lần cho đến khi hết các triệu chứng bệnh. Nếu thỏ bị bệnh nặng cần tiêm Streptomycin liều 0,01 g/1 kg thể trọng, hoặc Kanamycin liều 0,05g/ 1 kg thể trọng liên tục trong 3 ngày.
– Phòng bệnh: Cải thiện môi trường chăn nuôi tốt hơn. Thường xuyên bổ sung vitamin C cho thỏ uống để tăng cường sức đề kháng.
7. Bệnh viêm tuyến vú, viêm núm vú:
Xảy ra trong điều kiện chăn nuôi mất vệ sinh, thỏ mẹ trong giai đoạn cho con bú rất dễ mắc bệnh này.
– Nguyên nhân: Chủ yếu do sữa bị đọng lại trong tuyến vú gây viêm, hoặc do nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn từ đồ lót ổ qua núm vú hoặc vết thương ở vú.
– Triệu chứng: Thỏ bị viêm ở một hay nhiều núm vú hoặc cả tuyến vú, vùng viêm sẽ sưng to, nóng, đỏ da và đau. Trong sữa lẫn các chất máu, mủ, đôi khi hình thành các ổ áp-xe trong tuyến vú (có thể sờ bằng tay thấy nổi lên những cục u cứng dọc tuyến vú). Thỏ mẹ bị viêm vú thường mệt, ít hoạt động, không chịu cho con bú và kém ăn.
– Điều trị: Cần phải thay đổi môi trường vệ sinh. Sử dụng kháng sinh như Penicilin tiêm 5.000 UI/1kg thể trọng/ngày, hoặc tiêm Streptomycin liều 0,01 g/1kg thể trọng/ngày, liên tục trong 3 ngày.
– Phòng bệnh: Cải thiện môi trường chăn nuôi tốt hơn. Thường xuyên bổ sung vitamin C cho thỏ uống để tăng cường sức đề kháng.