Bệnh ung khí thán là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của trâu, bò. Bệnh này có tính chất địa phương, do trực khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác (Cl.septicum, Cl.perfringens), thể hiện triệu chứng và bệnh tích điển hình: sưng bắp thịt có khí, gọi là “ung khí thán”.
1. Nguyên nhân bệnh
– Đặc tính của trực khuẩn Clostridium chauvoei
Trực khuẩn sống yếm khí có nha bào. Các trực khuẩn yếm khí khác: Cl.septicum, Cl.perfringens, Cl.oedematien có thể kết hợp với Cl.chauvoei để gây bệnh.
Cl.chauvoei có hình thẳng, to, hai đầu tròn, kích thước 0,6 ´ 2,8mm, Gram dương, di động, hình thành nha bào hình trứng hay tròn ở gần cuối hay giữa thân, làm cho vi khuẩn có hình quả chanh, hình thoi hay cái thìa. Nha bào hình thành trong tổ chức bắp thịt (trong ung) và ngoài cơ thể. Vi khuẩn có hình thành giáp mô như vi khuẩn nhiệt thán, có vỏ bọc dầy. Cl.chauvoei đứng riêng rẽ từng đám vài ba con còn Cl.septicumthì xếp thành từng chuỗi.
– Sức đề kháng của vi khuẩn
Ánh sáng mặt trời diệt được nha bào trong 24 giờ. Sấy khô, nha bào không chết mà có thể sống được nhiều năm. Trong xác chết nha bào sống được 3 tháng. Trong đất ẩm, nha bào sống được 10-18 năm. Ở nhiệt độ 700C, vi khuẩn bị chết sau 30 phút. Nha bào chỉ bị diệt khi đun 1200C (nồi hấp áp lực). Dung dịch formol 3% diệt vi khuẩn trong 15 phút.
2. Dịch tễ học
– Loài vật mắc bệnh
Trong thiên nhiên, trâu, bò bị mắc bệnh nhiều. Dê cừu, lợn, ngựa non bị mắc bệnh nhiều hơn súc vật già. Trong phòng thí nghiệm, chuột lang vẫn mẫn cảm với bệnh. Thỏ có sức chống đỡ với bệnh và không chết.
– Chất chứa vi khuẩn
Các chất dịch thuỷ thũng chứa trong ung có nhiều vi khuẩn. Máu và các phủ tạng có ít vi khuẩn, độc lực kém.
– Đường lây lan
Vi khuẩn không lây trực tiếp từ gia súc bị bệnh sang gia súc khoẻ. Nha bào từ xác chết, phân, dịch bài xuất vào trong đất và sống ở đó. Khi mưa, lụt, nước chảy làm cho nha bào trồi lên mặt đất. Gia súc ăn phải nha bào sẽ bị mắc bệnh.
Nha bào xâm nhập vào cơ thể súc vật qua hai đường: đường tiêu hoá và vết thương ngoài da.
Nha bào chỉ nảy mầm thành vi khuẩn khi có đủ hai điều kiện thích hợp:
– Thiếu không khí.
– Được bảo vệ chống lại hiện tượng thực bào của bạch cầu.
Trong thiên nhiên, nha bào chỉ thành vi khuẩn khi xâm nhập vào các vết thương ngoài da hoặc trong niêm mạc ruột. Máu đông, sợi huyết của vết thương ngăn trở hiện tượng thực bào.
– Mùa vụ phát sinh bệnh
Bệnh có thể xảy ra quanh năm ở những vùng có ô nhiễm nha bào ung khí thán, nhưng bệnh thường xảy ra vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều. Nước mưa làm cho nha bào từ trong đất trôi ra ngoài dính vào rơm cỏ. Súc vật ăn thức ăn và uống phải nha bào sẽ phát sinh bệnh.
Nguồn: khoahocchonhanong.com.vn