Kỹ thuật phát hiện lợn nái động dục và phối giống

Đối với tất cả các giống lợn, không bao giờ cho phối giống ngay ở lần động dục đầu tiên, vì cơ thể lợn phát triển chưa hoàn thiện, số trứng rụng trong lần động dục đầu tiên ít… nếu phối giống thì số con đẻ ra sẽ ít.

 

1. Chu kỳ động dục ở lợn:

 

1.1. Tuổi động dục lần đầu ở lợn cái hậu bị:

 

Các giống lợn khác nhau có tuổi động dục lần đầu khác nhau.

Các giống lợn nội như lợn Móng Cái động dục lần đầu ở 4 – 5 tháng tuổi, khối lượng 30 – 40 kg.

Các giống lợn lai ngoại với nội có tuổi động dục lần đầu muộn hơn so với lợn nội thuần. Lợn cái lai ngoại với nội như F1 (Yorkshire x Móng Cái) và F1 (Landrace x Móng Cái) có tuổi động dục lần đầu lúc 6 tháng tuổi, khối lượng 70 – 75kg.

Các giống lợn ngoại có tuổi động dục lần đầu thường là 6-7 tháng, khối lượng 100 – 110 kg.

 

1.2. Chu kỳ động dục ở lợn nái:

 

Chu kỳ động dục ở lợn nái thường là 21 ngày (dao động từ 17 – 23 ngày). Thời gian động dục thường kéo dài 3 – 4 ngày.

Lợn nái sau khi cai sữa khoảng 4 – 6 ngày sẽ động dục trở lại.

 

2. Kỹ thuật phát hiện lợn nái động dục:

 

Phát hiện lợn nái động dục là việc quan trọng nhất trong công tác phối giống.

Cần kiểm tra lợn nái mỗi ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ. Nên kiểm tra động dục vào lúc 5 – 6 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều là thời điểm lợn thường có biểu hiện triệu chứng động dục rõ rệt nhất.

Để phát hiện chính xác thời điểm lợn nái động dục, cần nắm vững chu kỳ động dục và quan sát kỹ các biểu hiện của lợn nái.

 

+ Biểu hiện động dục ở lợn nái:

 

Ngày động dục thứ nhất:

 

Lợn nái đi lại, kêu rít, muốn nhảy ra khỏi chuồng; kém ăn hoặc bỏ ăn, phá máng; nếu có người sờ mó thì né tránh hoặc bỏ chạy. Âm hộ sưng mọng, đỏ hồng, căng bóng. Nước nhờn chảy ra ngoài âm hộ lỏng, trong và chưa keo dính.

 

Ngày động dục thứ hai:

 

Buổi sáng, lợn nái ở trạng thái yên tĩnh hơn, ít kêu rít, thỉnh thoảng nhảy lên lưng con khác, nhưng chưa chịu đứng yên khi lợn khác nhảy lên lưng.

Đến chiều, âm hộ bớt sưng, chuyển sang màu hồng nhạt, có vết nhăn mờ. Nước nhờn đã chuyển sang trạng thái keo dính. Để xác định lợn chịu đực (mê ì): dùng hai tay xoa vuốt từ hàng vú cuối cùng lên lưng của lợn sau đó ấn lên lưng của lợn (nếu có mặt lợn đực thì càng tốt), khi lợn đứng ì, hai tai vểnh lên, tư thế sẵn sàng cho lợn đực phối. Vào thời điểm này, cho phối giống hoặc dẫn tinh là đạt kết quả tốt nhất.

 

Ngày động dục thứ ba:

 

Trạng thái mê ì giảm dần, càng về cuối ngày lợn càng không thích gần lợn đực nữa. Âm hộ teo dần trở về bình thường, nước nhờn chảy ra ít, màu trắng đục, không dính.

Đuôi úp che âm hộ.

 

Thụ tinh, phối giống cho lợn

 

3. Kỹ thuật phối giống:

 

3.1. Phối giống lần đầu (phối giống cho lợn cái hậu bị):

 

Điều kiện cần và đủ để phối giống cho lợn cái hậu bị là lợn phải đạt đủ tháng tuổi và khối lượng cần thiết.

Tuổi phối giống lần đầu đối với lợn cái giống nội là 7 – 7,5 tháng tuổi và giống lai (ngoại x nội) và giống ngoại là 7,5 – 8 tháng tuổi. Khối lượng phù hợp khi phối giống: Lợn Móng Cái là 50 – 55 kg, lợn lai (Yorkshire/Landrace x Móng Cái) là 75 – 85 kg, lợn ngoại là 110 – 130 kg.

Đối với tất cả các giống lợn, không bao giờ cho phối giống ngay ở lần động dục đầu tiên, vì cơ thể lợn phát triển chưa hoàn thiện, số trứng rụng trong lần động dục đầu tiên ít… nếu phối giống thì số con đẻ ra sẽ ít. Nên phối giống khi lợn cái hậu bị đã qua 2 hoặc 3 chu kỳ động dục.

Cần xác định chính xác thời điểm mê ì ở lợn cái hậu bị để cho phối giống ngay. Sau đó cho phối lại lần thứ 2 cách lần phối đầu khoảng 12 giờ.

Cần phải ghi lại ngày phối giống để dự đoán được ngày lợn đẻ.

 

3.2. Phối giống cho lợn nái rạ (lợn đã đẻ từ lứa 2 trở đi):

 

Lợn mẹ sau cai sữa khoảng 4 – 6 ngày sẽ có hiện tượng động dục trở lại. Cần theo dõi, quan sát kỹ và xác định chính xác thời điểm mê ì ở lợn để chuẩn bị phối giống.

Khi phát hiện trạng thái mê ì ở lợn nái, chưa phối giống ngay như ở lợn cái hậu bị, mà phối giống lần 1 trong vòng 10 – 12 giờ kể từ khi phát hiện lợn mê ì.

Để lợn nái đẻ sai con nên phối lặp lại lần 2 khoảng 10 -12 giờ sau lần phối thứ nhất.

Cần phải ghi chép ngày phối giống để dự đoán được ngày lợn đẻ.

 

Phối giống trực tiếp:

 

Ưu điểm: Dễ thực hiện, không cần đầu tư trang thiết bị phối giống.

Nhược điểm: Tốn công để vận chuyển lợn đực, khả năng lây bệnh trực tiếp từ lợn đực sang lợn nái cao, không phối được cho nhiều lợn nái cùng một lúc, không dùng được đực giống tốt vì chênh lệch quá lớn về khối lượng giữa lợn đực và lợn cái.

 

Thụ tinh nhân tạo:

 

Ưu điểm: Lợn nái sẽ nhận được tinh dịch của các con đực giống tốt đã qua chọn lọc, không phải vận chuyển lợn đực, không bị hạn chế về chênh lệch tầm vóc lợn, một lần khai thác tinh có thể dùng để phối cho nhiều lợn nái. 

Nhược điểm: Cần có người đã qua đào tạo kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ việc phối giống.

Lưu ý: Lợn đực lấy tinh nhân tạo cần phải khoẻ mạnh và đã qua kiểm tra chất lượng tinh.

 

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo:

 

Tinh dịch cần phải được bảo quản tốt ở nơi mát (khoảng 20 độ C), tránh tác động của ánh sáng, tránh xóc hoặc lắc mạnh lọ tinh. Lọ tinh không dập nứt, không sủi bọt. Các bước thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo như sau:

Chuẩn bị dụng cụ dẫn tinh, bao gồm: Dụng cụ (lọ, túi) đựng tinh dịch, dẫn tinh quản và bộ phận tạo áp lực đẩy tinh dịch (quả cầu bơm hoặc xi-lanh). Luộc sạch các dụng cụ dẫn tinh trong nước sôi 15 phút, vẩy ráo nước, để nguội.

Vệ sinh vùng âm hộ lợn, vuốt nhẹ vào lưng cho lợn nái đứng yên. Bôi vaseline vào dẫn tinh quản và cửa âm hộ lợn nái.

Làm ấm tinh dịch lên 35 – 37 độ C bằng cách nắm lọ tinh trong lòng bàn tay một lúc

Gãi, ấn nhẹ vùng mông hoặc kích thích âm hộ lợn nái để lợn đứng yên. Nhẹ nhàng đưa đầu dẫn tinh quản vào âm hộ lợn nái, hơi chếch lên phía trên, vừa đưa vào âm đạo vừa lắc nhẹ, đồng thời ngồi ngược nhẹ lên lưng lợn hoặc dùng 1 bàn chân đè nhẹ lên lưng lợn để gây cảm giác giống như có lợn đực đang đè lên lưng; đưa dần tinh quản vào đến khi có cảm giác bị cản lại (vào đến cổ tử cung) rồi kéo lùi lại một chút; vừa đưa vừa xoay nhẹ dẫn tinh quản, lắp ống bơm hoặc lọ tinh bằng nhựa và từ từ bơm tinh dịch. Nếu dùng lọ nhựa thì bóp nhẹ lọ tinh, để lợn nái tự hút tinh vào là tốt nhất. Nếu dùng dẫn tinh quản đầu xoắn lúc đưa vào phải xoay dần theo chiều ngược kim đồng hồ, lúc rút ra xoay theo chiều cùng kim đồng hồ. Thời gian phối tinh trong khoảng 05 – 10 phút.

Sau khi dẫn tinh dịch xong, vẫn ngồi hoặc đè chân lên lưng lợn nái thêm 3-5 phút để tinh dịch chảy hết vào trong rồi từ từ rút dẫn tinh quản ra ngoài.

Sau khi dẫn tinh xong, dùng xà phòng rửa sạch dụng cụ dẫn tinh.

 

Kỹ thuật mới trong thụ tinh nhân tạo:

 

Kỹ thuật thụ tinh 2 pha: cung cấp 30 ml tiền chất trước khi bơm tinh

Thụ tinh sâu (thụ tinh tử cung): sử dụng dẫn tinh quản đặc biệt luồn qua cổ tử cung để bơm tinh vào tử cung.

 

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Hiện tượng sa trực tràng trên đàn heo công nghiệp

So với những vật nuôi khác thì Heo là vật nuôi dễ bị bệnh sa trực tràng nhất. Bệnh có thể sảy ra ở mọi độ tuổi từ heo 1-2 ngày tuổi cho đến heo nái đẻ thuần. Nguyên nhân cơ bản của bệnh là do sự gia tăng áp lực ổ bụng cũng như tăng co bóp bất thường ở trực tràng, kết hợp với điều kiện sinh lý heo không bình thường (các cơ, dây chằng tại xoang chậu bị yếu). Có cả sự khác nhau về giống, giới tính trong việc hình thành căn bệnh này.

 

1. Nguyên nhân

 

+ Hội chứng tiêu chảy: đặc biệt chú ý tới các bệnh liên quan tới viêm ruột già, bao gồm cả bệnh viêm trực tràng hay một số bệnh như Salmonela, sốt heo châu phi (African Swine Fever – ASF), bệnh lỵ.

+ Táo bón: Thường xảy ra với heo nái trước khi sinh.

+ Đẻ: Thường xảy ra với heo nái đẻ lứa đầu do gắng sức rặn đẻ qúa mức.

+ Thiếu nước: Ảnh hưởng của việc thiếu nước đẫn đến giảm lượng nước trong phân dẫn đến tăng quá trình co bóp và tăng khả năng nhiễm độc cho cơ thể.

+ Thuốc: việc sử dụng một số loại thuốc điều trị viêm, phù như tylosin, licomycin… cũng làm tăng nguy cơ sa trực tràng, đặc biệt khi sử dụng chúng với liều cao.

+ Chất độc: Một số độc tố nấm mốc từ thức ăn có thể dẫn tới hiện tượng sưng trực tràng cũng là một nguy cơ gây bệnh.

+ Tổn thương cơ học trực tràng: Ví dụ như heo đuổi đánh nhau.

+ Ho: quá trình này sẽ làm tăng áp lực ổ bụng và trong một số trường hợp đây là nguyên nhân chính gây sa trực tràng. Nhiều khi heo đang rặn ỉa kết hợp với áp lực khi ho đẩy trực tràng ra khỏi hậu môn trong trường hợp nặng nó không quay trở lại được >> sa trực tràng.

+ Tăng trưởng nhanh: Sa tử cung thường có thể là một vấn đề ở heo ở giai đoạn phát triển nhanh, đặc biệt là từ 30 – 60kg với chế độ ăn cao.

+ Nhiệt độ thay đổi: khi heo bị lạnh chúng nằm túm tụm lại và đè lên nhau trong một số trường hợp chúng nằm đè lên đầu và bụng làm tăng áp lực lên hậu môn cũng gây ra hiên tượng sa trực tràng nhưng đây là trường hợp hiếm gặp trong chăn nuôi heo công nghiệp.

 

Sa trực tràng trên lợn

 

2. Kết quả

 

– Trong trường hợp nhẹ nó nhanh chóng trở về hậu môn --> heo bình thường.

– Trong trường hợp nặng nó không thể trở về vị trí ban đầu và do đó các mạch máu bị thắt nên phần ở bên ngoài thường sưng to. Như vậy phần bên ngoài rất dễ bị hỏng do sự cọ sát, thiếu nước và không đủ dinh dưỡng.

– Phần trực tràng thoát ra ngoài bị những heo khác cắn, ăn. Gây hậu quả là:
   + Không có ảnh hưởng khi trực tràng sa trở về bình thường mà không gây tổn thương gì.
   + Heo chết: do phần trực tràng ở bên ngoài bị nhiễm trùng và phá hủy mô gây chết từ từ.

– Hẹp trực tràng: khi giải quyết sa trực tràng thành công nhưng chúng hình thành các mô sẹo bên trong trực tràng dẫn đến heo nhìn như hình 3. Với heo như vậy cần loại bỏ ra khỏi đàn.

 

Trực tràng hẹp

Hẹp trực tràng là một hiện tương bệnh lý phổ biến ở heo đang phát triển, trong đó mô sẹo tạo thành một vòng bên trong trực tràng do vậy cản trở sự lưu thông bình thường của các chất chứa trong ruột.

 

Kết quả của việc chất chứa lưu thông không bình thường trong manh tràng, đại tràng và trực tràng (ruột già) dẫn đến heo bị chướng bụng (hình 3). Tình trạng cơ thể bị mất cân bằng dẫn đến heo gầy dần cuối cùng trở thành heo còi cọc, lông xơ và dài. Thỉnh thoảng trên da có thể có màu vàng như mật loãng. Thông thường heo sẽ bị loại thải.

 

Khi mổ khám ta thấy ruột già căng, sưng to và hình thành viêm, bên trong ruột già xuất hiện vết sẹo hình nhẫn đôi khi vết sẹo phát triển khá rộng gây cản trở sự co dãn của ruột. Thông thường sẽ tìm thấy những áp xe xung quanh trực tràng.

 

Nếu điểm hẹp bắt đầu là nơi tiếp giáp gần với hậu môn thì nguyên nhân là do trước đây con vật bị sa trực tràng nhẹ và cũng có thể do kỹ thuật xử lý sa trực tràng tốt nên vết thắt tại vị trí sát với hậu môn. Tuy nhiên trong một số trường hợp giữa điểm hẹp và hậu môn còn một khoảng niêm mạc bình thường cho thấy việc xử lý sa trực tràng chưa thực sự tố ngoài ra khi bị chấn thương như dương vật trong giao phối, hoặc viêm hay nhiễm trùng do nhiễm Salmonella, haemophilus parasuis, streptococcus suis cũng có thể gây ra các vết sẹo như trên.

Trong trường hợp hẹp xảy ra mà không liên quan đến sa trực tràng cần phải nhanh chóng xác định nguyên nhân chính và có biện pháp xử lý.

 

Nếu hẹp được phát hiện sớn và trực tràng hoàn toàn bị chặn ta có thể sử dụng các biện pháp can thiệp để kéo căng trực tràng để heo có thể phóng uế bình thường. Cần chú ý chăm sóc đề không bị vỡ trực tràng.

 

Tại một số trang trại tổn thất do hẹp trực tràng có thể chiếm 1% tức là chiếm 5 -10% các ca tử vong hay loại thải trên tổng đàn heo.

 

 3. Xử lý

 

Khi gặp bất kỳ một ca sa trực tràng nào ta cần cách ly với những heo khác trong đàn ngay lập tức.

Nếu heo đến tuổi giết thịt cần đưa tới lò mổ.

Nếu phần trực tràng bên ngoài không bị hư hại nhiều ta có thể xử lý bằng cách bôi dung dịch muối loãng để khoảng 30 phút sau đó nhẹ nhàng đẩy nó trở lại. Muối có tác dụng thẩm thấu rút các chất lỏng ra khỏi lòng mạch và co lại các phần bị sa.

Nếu cần thiết ta cần khâu quanh trực tràng phần giáp với hậu môn để cố định phần vừa đưa vào.

Đối với heo nái dùng một chiếc găng tay cao su đặt lên trên phần trực tràng bị sa (nó không ảnh hưởng tới heo nái) với cách này có thể đủ áp lực để giữ phần trực tràng đó không bị thoát ra ngoài do lực co bóp của cơ bụng.

Trong trường hợp một phần trực tràng thoát ra ngoài bị hư hỏng ta cần cắt bỏ phần đó rồi mới đưa vào trong. Cách tốt nhất là ta nên sử dụng ống thông để cố định (ống có đường kính 2.5cm với heo thịt và 3,5 – 4cm với heo nái) khâu cố định phần bị sa vào ống. Ống này giúp cho việc cố định lại phần bị sa ra ngoài trở lại trạng thái bình thường. Điều này làm giảm lượng máu tới vùng bị sa để nó nhanh trở lại trạng thái bình thường và ống thường được tháo bỏ sau 7 ngày, tùy trường hợp mà ta có thể tháo bỏ sau 3 – 4 ngày. Có thể sử dụng những vật liệu có sẵn như ống dây điện, ống nước, dây cao su…

 

4. Sử dụng kháng sinh

 

Trong trường hợp phần sa trực tràng bị tổn thương lớn, vết mổ, vết khâu cần sử dụng kháng sinh chống hiện tượng viêm nhiễm. Tương tự khi xử lý hẹp trực tràng có kết quả tốt ta cần cung cấp thêm kháng sinh giúp con vật nhanh hồi phục và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm. Đối với những con quá nặng khó điều trị cần loại thải bằng phương pháp nhân đạo.

 

5. Phòng ngừa

 

Việc phòng ngừa sa trực tràng là công việc cần thiết trong đó việc xác định nguyên nhân giúp ta đưa ra quyết định điều trị, hay loại bỏ là quan trọng nhất.

 

Nguồn: vietdvm.com

 
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *