Chọn bò cái hướng thịt và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Kỹ thuật chọn bò cái hướng thịt, chọn bò cái làm giống cần căn cứ vào nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình và các tính năng sản xuất.

– Về nguồn gốc: Cần chọn những con sinh ra từ những cặp bố mẹ khỏe mạnh, chất lượng tốt, xuất phát từ vùng không có dịch bệnh đang lưu hành và phải được tiêm phòng đầy đủ theo quy định của cơ quan thú y.

– Về ngoại hình: Bò cái có các đặc điểm đặc trưng của mỗi giống. Dáng thanh nhẹ, các phần đầu, cổ, thân và vai kết hợp hài hoà. Đầu thanh, mõm rộng, mũi to, cổ dài vừa phải và thanh. Ngực sâu, rộng, xương sườn mở rộng, cong về phía sau. Bụng to nhưng không sệ. Mông nở, ít dốc. Bốn chân thẳng và mảnh, móng khít. Đuôi dài, gốc đuôi to. Da mỏng, lông thưa. Hiền lành và thuần tính.

– Các tính năng sản xuất: Khối lượng phù hợp với tiêu chuẩn chung của giống. Tuy nhiên, đối với bò cái nội (Bò Vàng Việt nam), chỉ chọn những con có khối lượng trên 180 kg; bò cái lai Zêbu có khối lượng trên 250 kg để đưa vào nuôi sinh sản.

– Cơ quan sinh dục và khả năng sinh sản: bầu vú phát triển, 4 núm vú đều, dài vừa phải, không có vú kẹ, da vú mỏng, đàn hồi, tĩnh mạch vú nổi rõ. Âm hộ không bị dị tật.

Bò cái có chu kỳ động dục đều (trong khoảng 20-22 ngày), các dấu hiệu động dục rõ. Bò đẻ sớm và mắn đẻ (đẻ lứa đầu trung bình ở 27-30 tháng tuổi; tốt nhất là đẻ năm một hoặc từ 12-14 tháng đẻ một lứa).

Tuyệt đối không chọn những con có các khuyết tật như đầu, cổ quá to, vai lưng kết hợp không tốt, hông lõm, mông dốc dạng mái nhà, chân vòng kiềng, lông không đều và dòn.

Nếu có điều kiện thì nên sờ khám qua trực tràng để kiểm tra các cơ quan sinh dục bên trong và chỉ chọn những con có cơ quan sinh dục bình thường.

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái tơ hậu bị giống

Sau khi cai sữa, chọn những con cái tốt nhất để làm giống và nuôi tách đực riêng, cái riêng, gọi là giai đoạn nuôi hậu bị. Giai đoạn này kéo dài từ khi cai sữa (lúc đạt 6 tháng tuổi) cho đến khi phối giống có chửa.

Ngay sau cai sữa bê dễ bị rơi vào trạng thái khủng khoảng vì lượng sữa bị cắt hoàn toàn trong khi khả năng lợi dụng các loại thức ăn thô xanh của chúng còn hạn chế. Vì vậy, cần chú ý đảm bảo số lượng và chất lượng thức ăn cho bê để chúng không bị còi cọc, bệnh tật, ảnh hưởng đến tuổi thành thục sinh dục và khả năng sinh sản của chúng sau này.

Trong giai đoạn nuôi hậu bị nên chăn thả bê và cho chúng ăn tự do thức ăn thô xanh chất lượng tốt, có bổ sung thêm các loại thức ăn giầu đạm, khoáng, vitamin.

Khẩu phần thức ăn hàng ngày của bò trong giai đoạn nuôi hậu bị có thể như sau:

– Từ 07 đến 12 tháng tuổi: 15 – 20kg cỏ tươi + 1,0kg thức ăn tinh hỗn hợp

– Từ 13 đến 18 tháng tuổi: 20 – 25kg cỏ tươi + 1,5kg thức ăn tinh hỗn hợp

– Từ 19 đến 24 tháng tuổi: 30 – 35kg cỏ tươi + 2,0kg thức ăn tinh hỗn hợp

Lượng thức ăn tinh trong khẩu phần cho ăn thành 2 lần mỗi ngày. Chú ý các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh: thức ăn, nước uống luôn sạch sẽ; định kỳ tiêm phòng vacxin và tẩy uế chuồng trại.

3. Chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản

Nhu cầu lượng thức ăn thô xanh một ngày đêm cho một con bò được tính khái quát bằng 8-10% khối lượng cơ thể của nó. Vào hai tháng chửa cuối cùng, mỗi ngày bò cái được bổ sung thêm 2-3kg thức ăn tinh hoặc cám. Trong thời gian bò cái đang nuôi con cũng cho ăn thêm thức ăn tinh hoặc cám để đảm bảo có nhiều sữa.

Việc cung cấp thức ăn thô xanh tùy thuộc vào phương thức chăn nuôi. Thông thường, khi chăn thả, trung bình mỗi ngày bò có thể thu lượm được khoảng 10 kg cỏ tự nhiên. Như vậy, nếu nuôi bò theo phương thức vừa chăn thả vừa cho ăn thêm tại chuồng thì phải bổ xung thức ăn thô xanh vào khẩu phần.

Đối với bò chửa, việc chăn thả rất quan trọng, vì ngoài lượng cỏ tươi thu nhận thêm bò cái còn được vận động, giúp cho chúng sinh đẻ được dễ dàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là không chăn thả bò ở những nơi có độ dốc trên 25-30%. Không được dồn đuổi, đánh đập bò, nhất là vào giai đoạn chửa cuối.

Cung cấp đầy đủ nước uống cho bò, nước uống phải trong, sạch, không bị ô nhiễm. Định kỳ tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng.

Đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ. Có thể dùng rơm rạ lót nền chuồng vào mùa đông. Định kỳ dùng vôi bột, vôi tôi (tỷ lệ 10%), dung dịch focmôn 5%, dung dịch crezin 3% tẩy uế chuồng nuôi.

Khoảng 10 ngày trước ngày dự kiến đẻ, nên hạn chế chăn thả, đưa bò về chuồng chờ đẻ. Chuẩn bị hộ lý đẻ. Trường hợp đẻ khó phải can thiệp kịp thời.

 

                                       Nguồn: TS. Phùng Quốc Quảng – Sở NNPTNT Kiên Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *