(Người Chăn Nuôi) – Xuất bản tháng 8 – 2017
Thưa quý vị bạn đọc!
Quý III đã đi được 2/3 chặng đường, ngành chăn nuôi vẫn như rơi vào trạng thái vô định. Vẫn trên đà khó khăn, mặc dù giá cả sản phẩm chăn nuôi đã có sự khởi sắc hơn so với tháng trước, nhưng sự tăng giá là do cung cầu thị trường ở thời điểm nhất định, không phải do sự ổn định và quy hoạch điều tiết của thị trường.
Cùng với vấn đề giá cả là lo ngại về dịch bệnh, theo Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Ngoài ra, dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh cũng được dự báo có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ hoặc những khu vực có nguy cơ cao.
Theo nhận định chung, ngành chăn nuôi trong nước vẫn luôn phải đối mặt với vấn đề dịch bệnh, rào cản về hóa chất, kháng sinh, ATTP… Đây là một trong những trở ngại cho việc đưa sản phẩm chăn nuôi “xuất ngoại”. Do đó, giải pháp được đưa ra, theo các nhà nhập khẩu thì ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải xây dựng nhiều “thủ phủ” chăn nuôi sạch bệnh, với công tác kiểm dịch tốt, đẩy mạnh thú y và chăn nuôi khép kín tạo ra các thương hiệu. Đây là điều kiện cho cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến xuất khẩu. Cục Thú y đang xây dựng lại vùng nuôi an toàn với sản phẩm gia súc, gia cầm ở một số tỉnh thành. Hy vọng việc xây dựng lần này sẽ đem lại những kết quả cho ngành, bởi trước đó Đề án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã được triển khai nhưng thất bại.
Đánh giá chung của ngành thú y là việc xây dựng vùng nuôi sạch bệnh còn gặp khó khăn, vì diện tích được công nhận sạch bệnh khá lớn, đòi hỏi người chăn nuôi phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo vùng nuôi không xảy ra dịch bệnh. Những vùng chăn nuôi sạch bệnh được công nhận còn rất ít. Để xây dựng các vùng chăn nuôi sạch bệnh, cần nguồn vốn đầu tư nhiều hơn nữa để đảm bảo các vùng nuôi an toàn, môi trường sạch và loại trừ được dịch bệnh. Vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc từ lâu, thế nhưng đến nay, việc đưa ra đáp án vẫn còn bỏ ngỏ!
Đây là nội dung chính của Đặc san Người Chăn nuôi phát hành tháng 8/2017. Mời các bạn đón đọc và góp ý.
Trân trọng!