Bằng việc áp dụng công nghệ nuôi lợn bằng đệm lót sinh học, cùng hệ thống điều hòa hiện đại, những người nông dân ở Quảng Trị đã biến chuồng lợn trở nên… thơm mát đến lạ thường.
Lợn nằm điều hòa, nghe nhạc…
Dịp giáp Tết Bính Thân, đến thăm trang trại của ông Hồ Văn Dương (trú thôn An Bình, xã Cam Thanh, Cam Lộ, Quảng Trị), chúng tôi đã có phần… ghen tỵ với những chú lợn ở đây! Lý do thật đáng buồn cười nhưng chắn hẳn ai cũng đồng tình, đó là trong khi ngoài trời rét căm căm thì những chú lợn lại được ngủ, nghe nhạc trong phòng ấm áp, nhiệt độ đảm bảo 26 – 28 độ C nhờ hệ thống điều hòa.
Trang trại chăn nuôi hơn 4.000 con lợn của ông Thái Quốc Khánh (Cam Lộ, Quảng Trị) không có mùi hôi thối nhờ được xử lý bằng chế phẩm EM – Ảnh: Ngọc Vũ
Càng bất ngờ hơn khi chuồng nuôi hơn 1.000 con lợn của ông Dương không hề có mùi hôi thối nào. Điều đó trái ngược hoàn toàn so với một số nơi, chỉ nuôi vài chục con lợn là xóm làng lân cận phải đóng cửa, bịt mũi vì mùi phân thối.
Bí quyết được ông Dương bật mí là ông sử dụng chế phẩm sinh học EM để khử mùi hôi, làm đệm lót sinh học và làm thức ăn, uống cho lợn. Theo ông Dương, cách đây hơn 5 năm, ông chăn nuôi trên quy mô khoảng 200-300 con/năm, kết hợp với ao cá diện tích 5ha mặt nước. Phân lợn được ông Dương thải trực tiếp ra ao cá. Ban đầu không sao, nhưng sau một thời gian thì quá tải, ao hồ bắt đầu bốc mùi hôi, cá chết…
Sau đó, ông Dương được Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Trị giới thiệu cho sử dụng chế phẩm sinh học EM để xử lý chuồng trại. Và hiệu quả ngay tức thì, mùi hôi biến mất chỉ sau một ngày. Ngoài tác dụng khử mùi hôi, ông Dương còn dùng chế phẩm EM để làm đệm lót sinh học, đảm bảo chăn nuôi hợp vệ sinh, giảm chi phí, bảo vệ môi trường.
Ông Dương cho biết, một lít chế phẩm EM gốc chỉ có giá 70.000 đồng, sau đó pha chế thành các EM thứ cấp. Lượng phân lợn thải ra, ông Dương dùng chế phẩm EM xử lý, ủ lên men rồi cho cá ăn, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa nâng cao hàm lượng dinh dưỡng.
“Trước đây chưa sử dụng chế phẩm EM thì phải nuôi cá bằng cỏ, tinh bột… nên chi phí cao. Nay tận dụng phân lợn, dùng chế phẩm EM xử lý rồi cho cá ăn nên chi phí giảm xuống, từ đó chăn nuôi có lãi và còn bảo vệ môi trường” – ông Dương nói.
Ông Dương cho biết, dùng chế phẩm EM lên men cám lợn, bột ngô… cho lợn ăn và pha chế phẩm EM với nước cho lợn uống sẽ giúp đường ruột của lợn khỏe mạnh, từ đó sức chống chịu bệnh tật cao hơn. “Từ khi tôi nuôi lợn bằng chế phẩm EM, lợn chóng lớn và hầu như không mắc bệnh tật gì” – ông Dương cho hay.
Áp dụng CNSH vào chăn nuôi giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản… và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nông dân vẫn còn lúng túng, rụt rè khi nhắc đến CNSH bởi họ nghĩ nó là cái gì đó quá to tát, khó khăn. Thực tế áp dụng CNSH trong chăn nuôi không có gì khó khăn, ngược lại còn rất đơn giản nên nông dân cứ mạnh dạn áp dụng”.
Ông Trần Quang Chiến |
Hướng đến chăn nuôi giữ vệ sinh môi trường
Ông Thái Quốc Khánh – Giám đốc HTX Thống Nhất (khu phố 4, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết: “Chúng tôi được Hội ND tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi lợn, sử dụng chế phẩm sinh học để làm đệm lót, xử lý môi trường… Nhiều bà con ND đã áp dụng khá thành công”.
Trang trại của ông Khánh hiện có quy mô 4.000 con lợn thịt/lứa, được xây dựng kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật, đồng thời trang bị hệ thống điều hòa không khí, máy nghe nhạc, quạt thông gió, quạt khử mùi, bể tắm, hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải 1.500 khối, hệ thống báo nhiệt độ để tiện điều chỉnh theo thời tiết được bố trí rất khoa học.
Theo ông Khánh, tất cả chuồng trại đều được xây dựng khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả. Đệm lót sinh học có chứa hệ thống vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn sau đó được xử lý tiếp bằng hầm biogas nên chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng.
Nguyên vật liệu để làm đệm lót sinh học rất dễ tìm (gồm trấu, mùn cưa, bột cám, chế phẩm sinh học, dịch men) có chi phí tương đối thấp. Ước tính chi phí đầu tư ban đầu cho 100 m2 đệm sinh học chỉ tốn khoảng 7,2-7,5 triệu đồng. Lớp đệm lót sinh học có thể sử dụng được từ 2 – 3 năm, giảm được 70% công lao động vì phân, nước tiểu đã được tiêu hủy gần như toàn bộ, đồng thời tiết kiệm được 80% lượng nước vệ sinh chuồng trại, tắm cho lợn. Khi đệm lót hết hạn sử dụng, người chăn nuôi có thể làm phân bón…
Ông Trần Quang Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Quảng Trị) cho biết, trong năm 2015 trung tâm đã tổ chức nhiều lớn tập huấn ứng dụng chăn nuôi sinh học vào sản xuất và bảo vệ môi trường cho nông dân. Trung tâm đã chuyển giao 1.000 lít chế phẩm EM, 20kg chế phẩm sinh học QTMic, 17kg chế phẩm BiOWiSH… giúp ND sản xuất và bảo vệ môi trường.
Ngọc Vũ
Nguồn: Dân Việt