“Tổ dân phố của chúng tôi cách trại chăn nuôi lợn mấy trăm mét vẫn bị ảnh hưởng; trời nắng còn đỡ chứ ngày nồm hoặc đang mưa lại nắng thì mùi hôi theo gió phả đến khó chịu lắm!”. Đó là phản ánh của bà Nguyễn Thị Mơ, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và nhiều người dân tổ dân phố (TDP) Đông, thị trấn Bích Động (Việt Yên) về trại chăn nuôi lợn ở TDP Dục Quang cùng thị trấn.
Chủ trại chăn nuôi trên là ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Hồng Thái. Bà Mơ cho biết, trong các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri tại địa phương, bà không ít lần phản ánh về mùi hôi từ trại lợn này nhưng tình trạng ô nhiễm chưa giảm.
Một góc trang trại lợn của ông Nguyễn Trung Kiên tại TDP Dục Quang.
Theo người dân lân cận, khoảng 2 – 3 năm trở lại đây, cơ sở chăn nuôi này mới phát sinh mùi khó chịu như vậy. Ông Nguyễn Văn Hết, TDP Dục Quang cho hay: “Khổ nhất là mùa hè, mùi hôi từ trại lợn bay vào rất khó chịu. Ban đêm, tôi không dám mở cửa sổ vì sợ mùi”.
Nước rửa chuồng nuôi chảy vào bể biogas rồi chảy ra hồ.
Được biết, trại chăn nuôi trên được hộ ông Kiên xây dựng khoảng năm 2008 theo hướng công nghiệp, với quy mô 5.000 con. Năm 2014, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc khu trại trên cho ông Kiên. Diện tích khu trại là 5.659,3 m2. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 17/8/2033. Nguồn gốc sử dụng là đất Nhà nước cho thuê thu tiền hằng năm.
Bể chứa chất thải đã hết dung tích.
Ông Kiên cũng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường đối với trại chăn nuôi. Cụ thể, ngày 10/8/2012, báo cáo đánh giá tác động môi trường về dự án chăn nuôi lợn công nghiệp thương phẩm quy mô 5.000 con của ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
Bà Thân Thị Tuyết (mẹ ông Kiên) cho hay: Trang trại đang nuôi khoảng 6.000 con lợn thịt. Toàn bộ nước rửa chuồng nuôi được đưa vào 2 bể biogas tổng hơn 2.000 m3, sau đó chảy ra khu ao nuôi cá, trồng lúa rồi mới ra ngòi Cầu Sim. Về mùi hôi phả ra gần đây như người dân phản ánh, bà Tuyết giải thích là do vừa qua, gia đình dùng cá tươi ủ làm phân bón cho khu ruộng trồng nho giáp trại lợn nên mới có mùi khó chịu như vậy.
Một bể biogas trong khuôn viên trại lợn xuống cấp hiện không hoạt động.
Tuy nhiên quan sát thực tế, qua nhiều năm sử dụng, hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại trang trại chăn nuôi của ông Kiên đã xuống cấp. Nước từ bể biogas chảy ra làm cả đoạn mương có màu đen. Khu chứa và ủ phân cũng không bảo đảm quy định về môi trường…
Theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Khu ủ phân của trang trại lợn để ngoài trời.
Tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng trại chăn nuôi lợn của ông Kiên, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ: “Trong quá trình hoạt động, nếu chủ dự án xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường thì chủ dự án phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa, khắc phục…”.
Do đó ông Kiên và gia đình cần nghiêm túc chấp hành quy định trên, nhanh chóng cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải tại khu chăn nuôi đạt chuẩn theo quy định, bảo đảm vệ sinh, môi trường và không làm ảnh hưởng đến các khu dân cư xung quanh.
Bài, ảnh: Tuấn Dương
Nguồn: Báo Bắc Giang