Mặc dù có đàn thủy cầm lớn thứ 2 thế giới nhưng người chăn nuôi Việt Nam vẫn không giàu?
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên chia sẻ, khu vực ông sinh sống có nhiều ao hồ nên thích hợp chăn nuôi vịt.
Ông là một trong những người đầu tiên trong xã mở rộng quy mô nuôi vịt lấy thịt với đàn vịt có lúc lên tới gần 1.000 con. Thời gian đầu, chỉ cần 2, 3 tháng là ông có thể xuất chuồng với lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng gần đây, người nuôi vịt trong xã ngày càng đông. Do đó, vịt nuôi lớn không biết bán cho ai. Càng mở rộng đàn vịt, ông lỗ càng to. Ông Tuấn chia sẻ, sau lứa vịt này ông tính bỏ nghề tìm công việc khác phù hợp hơn.
Khó khăn của ông Tuấn cũng chính là trăn trở của ngành chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới.
Giai đoạn từ năm 2018 – 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm. Tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng đàn gà của cả nước là hơn 453,2 triệu con, thủy cầm gần 104 triệu con.
Chăn nuôi gia cầm thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề giá bán sản phẩm hiện đang thấp hơn giá thành.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, nguyên nhân tình trạng trên do nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức sản xuất lớn, trong khi đó, năm 2022 Việt Nam nhập gần 34 triệu con gia cầm giống, dẫn đến đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con, nhưng sức tiêu dùng lại có hạn.
Để gỡ khó cho nông dân chăn nuôi, trao đổi với Báo Lao Động tiến sĩ Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi của Việt Nam đa dạng về vật nuôi với số lượng lớn, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới. Thế nhưng trên thực tiễn, nông dân Việt Nam ít có ai giàu vì chăn nuôi thủy cầm.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện nhóm chính sách về đất đai, tín dụng, thương mại khuyến khích chăn nuôi tập trung và hộ chuyên nghiệp phát triển. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường năng lực phòng chống dịch bệnh, đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục chăn nuôi sớm đề xuất để ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ…
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng, phát huy nội lực để cầm cự và phát triển.
Thực tế, về nội lực phải thừa nhận các giống gia cầm tại Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Với các hiệp định thương mại đã ký kết, ngành chăn nuôi gia cầm cần thích ứng và hội nhập, nên phải xem đâu là lợi thế để phát triển.
"Có 3 vấn đề cần giải quyết, đó là giống, thức ăn chăn nuôi và đất đai. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ luôn đồng hành cùng người chăn nuôi để cùng nhau tháo gỡ những vấn đề này", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Xuyên Đông
Nguồn: Báo Lao Động