Phòng trị bệnh ở gà con

(Người Chăn Nuôi) – Gà con vừa mới nở thể trạng rất yếu; hệ tiêu hóa, hệ hô hấp chưa hoàn thiện. Vì thế rất dễ bị bệnh, trường hợp mắc bệnh nguy hiểm thì tỷ lệ gà chết rất cao. Người nuôi cần nắm vững triệu chứng và biện pháp phòng trị các bệnh thường gặp để hạn chế thiệt hại ở giai đoạn này.

Bệnh khô chân

Nguyên nhân: Thường xuất hiện ở giai đoạn gà con. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này có thể là do kỹ thuật vận chuyển gà con từ trại giống về chuồng nuôi; môi trường chăn nuôi không sạch sẽ, chất thải không được xử lý; quá trình chăm sóc không đảm bảo như: Thức ăn, nhiệt độ…

Biểu hiện: Chân và các cơ bị teo lại do mất nước, phần da chân khô quắt, gầy gò. Lông gà xù lên, có hiện tượng bỏ ăn, 2 mắt nhắm nghiền.

Điều trị: Cách ly riêng những con có biểu hiện bị bệnh khô chân để tiện cho việc theo dõi, điều trị, phòng trừ trường hợp lây lan sang cả đàn. Duy trì nhiệt độ úm thích hợp, kiểm tra những biểu hiện hàng ngày của gà trong chuồng úm, tránh tình trạng quá nhiệt. Duy trì 60 – 100 con gà/bóng tùy theo mùa, bóng đèn treo cách cách mặt đất 50 – 60 cm. Dùng thuốc Florfenicol 4% hoặc Trimethoprim + Sulfamethoxazole để trộn vào nước uống hoặc thức ăn cho chúng ăn liên tục 5 ngày đêm.

bệnh ở gà con

 

Bệnh bạch lỵ

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Salmonella pullorum gây ra. Salmonella là các vi khuẩn bắt màu gram âm. Loại vi khuẩn này khó tiêu diệt ở điều kiện thường mà có thể sống đến tận 3 – 4 tháng, ẩn nấp trong môi trường chuồng trại. Bệnh thường xảy ra ở gà con 1 – 3 tuần tuổi.

Triệu chứng: Khi trứng nhiễm ít mầm bệnh, có con nở ra không chết tuy nhiên, mầm bệnh xâm nhập vào máu, vào các cơ quan nội tạng (tim, gan, thận, ruột…) gây chết vào ngày thứ 4 và 5 là cao nhất, đến ngày thứ 8 bắt đầu giảm xuống. Gà mệt mỏi, ủ rũ, bỏ ăn, tụm từng đám. Phân tiêu chảy màu trắng, hậu môn dính đầy phân. Khi gà được 15 – 20 ngày tuổi, mặc dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn mang trùng. Một số con có triệu chứng què quặt và thần kinh, do vi khuẩn viêm khớp và não.

Trị bệnh: Có thể dùng một trong những loại kháng sinh như: Kanamycin Gentamycin, Enrofloxacin, Norfloxacin, Florphenicol… Kháng sinh có thể dùng dạng tiêm, dạng pha thức ăn hoặc nước uống. Thời gian sử dụng cần thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Kết hợp dùng thuốc trợ sức cho gia cầm bằng một trong những sản phẩm vitamin tổng hợp, Vitamin C và chất điện giải cũng như men tiêu hóa để cải thiện sức khỏe của gà.

Phòng bệnh: Cần loại bỏ những con gà sinh sản mắc bạch lỵ tránh trường hợp con nở ra bị bệnh. Khi gà con được 3 – 5 ngày tuổi, tiến hành cho uống thuốc phòng bạch lỵ như Ampicoli với liều 1 g/2 lít nước. Thường xuyên vệ sinh môi trường chăn nuôi sạch sẽ, phun các loại thuốc sát trùng, diệt khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong môi trường xung quanh. Cọ rửa, sát trùng máng ăn, máng uống thường xuyên, xử lý phân gà đúng cách để các vi khuẩn gây bệnh không có cơ hội ẩn trong phân. Khi đàn gà có dấu hiệu mắc bệnh cần cho uống ngay các loại thuốc sau: Ampicoli, liều 1 g/2 lít nước, men tiêu hóa, B – Complex. Lưu ý nên cho uống nhanh sau khi phát hiện bệnh và cho cả đàn uống vì khả năng lây lan của bệnh rất nhanh.

 

Bệnh E. coli

Nguyên nhân: Do vi khuẩn E. coli (Escherichia coli) gây ra và có tính chất phức tạp tùy thuộc vào từng khu vực cư trú, cách thức gây bệnh nên được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau. Bệnh này có thể xảy ra ở cả gà con 1 ngày tuổi cho đến gà dò, gà trưởng thành, gà đẻ trứng, gà giống. Vi khuẩn E. coli có thể lây lan qua nhiều phương thức khác nhau như: Truyền từ mẹ sang con qua ống dẫn trứng bị nhiễm bệnh; Truyền bệnh thông qua đường hô hấp, da hoặc niêm mạc; truyền từ vỏ trứng đã bị nhiễm bệnh hoặc từ môi trường sang vỏ trứng; lây truyền qua quá trình giao phối giữa gà trống và gà mái; lây truyền qua đường thức ăn, nước uống.

Triệu chứng: Các triệu chứng thường không đặc hiệu. Một số triệu chứng chung nhất như: Gà con bị mềm nhũn, gầy gò, ủ rũ, xù lông, khó thở, ỉa chảy ra phân màu trắng hơi xanh và nhiều nước, có biểu hiện viêm khớp, đi đứng loạng choạng, không vững, đầu và cổ lắc lư, bị nặng dẫn đến tình trạng bại liệt hoặc viêm da và chết hàng loạt sau 5 ngày phát bệnh. Tỷ lệ chết cao trên gà từ 1 – 10 ngày tuổi.

Bệnh tích: Viêm màng bao tim, viêm màng quanh gan, viêm màng bụng. Trường hợp gà bị nặng có thể khiến gan sưng kèm theo xuất huyết, viêm đường đường ruột, viêm túi khí.

Điều trị: Để điều trị bệnh có thể sử dụng kháng sinh như Colistin, Kanamycin, Gentamycin, Norfloxacine… theo dạng tiêm hoặc pha vào nước uống theo hướng hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị kết hợp sử dụng một số thuốc tăng cường sức khỏe. Sau khi điều trị bằng kháng sinh có thể bổ sung một số chế phẩm vi sinh để cải thiện đường ruột cũng như khả năng tiêu hóa của gia cầm. Trường hợp có nghi ngờ vi khuẩn nhờn thuốc thì cần làm kháng sinh đồ để xác định nhóm kháng sinh điều trị hiệu quả nhất.

Phòng bệnh: Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất chính là luôn giữ cho chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên phun thuốc sát trùng diệt mầm bệnh. Cung cấp đủ lượng thức ăn đảm bảo cho gia cầm nuôi theo từng giai đoạn phát triển. Định kỳ 1 lần/tuần sát trùng, vệ sinh trứng ấp, máy ấp, khu chăn nuôi bằng một số thuốc sát trùng có tính an toàn cao không gây độc cho gia cầm. Hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống, tránh để thừa thức ăn, ôi thiu tạo môi trường nhiễm bẩn. Định kỳ bổ sung vitamin, thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng tự nhiên, đặc biệt trong những giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi hoặc gia cầm bị stress do vận chuyển hoặc sau khi tiêm vaccine.

Lê Loan     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *