Nuôi cút lấy phân hữu cơ

Nuôi cút siêu trứng không chỉ thu hoạch trứng mà còn nhằm mục tiêu thu được lượng phân hữu cơ chất lượng, đó là cách làm của nhiều nông hộ tại Lâm Đồng. Phân hữu cơ từ chăn nuôi đã cùng người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Đã có thời điểm nông dân tưởng chừng phải để trống chuồng nuôi vì giá trứng cút xuống quá thấp, càng nuôi càng lỗ. Nhưng nhờ tính toán kỹ càng cùng lượng phân cút thu được hàng tuần, nông dân chúng tôi mới duy trì được đàn cút qua giai đoạn khó khăn” – chị Vũ Thị Loan, nông dân Thôn 3, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh chia sẻ. Nhiều năm nuôi cút siêu trứng, gia đình chị Loan thấm những vất vả cũng như thành công từ giống chim nhỏ bé này.

thu trứng cút

Chị Vũ Thị Loan thu trứng cút

Với hai trại cút siêu trứng lên tới 30 ngàn con, gia đình chị Vũ Thị Loan là hộ nuôi cút lớn nhất xã Hòa Bắc. Gắn bó với con cút từ năm 2017, kinh nghiệm chăn nuôi của chị Loan có thể coi là dày dạn. Theo chị, cút là vật nuôi tương đối dễ chăm sóc. Chị nhập cút giống 21 ngày tuổi về nuôi, sau 30 ngày là bắt đầu đẻ trứng. Tỷ lệ đẻ rất cao, cút mái có thể đẻ hàng ngày suốt nhiều tháng liên tục. Như nhà chị, với 30 ngàn cút mái, trại thu mỗi ngày từ 25-26 ngàn trứng, trọng lượng khoảng 2 tạ. Sau 8-9 tháng, cút già và tỷ lệ đẻ ít đi, trại bán hết lứa làm cút thịt và nhập lứa mới.

Hiện tại, chị Vũ Thị Loan đang bán trứng cút với giá 53 ngàn đồng/kg. Có thời điểm giá cao hơn, cũng có thời điểm giá hạ. Theo chị, giá trứng trung bình 45 ngàn là phổ biến trong thời gian gần đây. Mức giá này giúp người nông dân có thu nhập ổn định tuy không quá cao, sau khi trừ chi phí cám, thuốc, thuốc bổ cũng có lời 2-3 ngàn đồng/kg trứng. Tuy nhiên, nhiều thời điểm trứng hạ quá thấp, người nông dân lỗ công, lỗ cám. Những lúc như thế, chị Loan chia sẻ, nhiều trại cút nhờ vào tiền bán phân cút để vượt qua khó khăn.

Chị Loan cho biết, cút đẻ ăn rả rích suốt ngày. Cám và nước sạch được cung cấp thoải mái để cút đủ dinh dưỡng. Để giữ chuồng sạch, chị Loan trải các tấm bạt để hứng phân cút. Lượng chất thải hàng ngày rất lớn, trại cút nhà chị Loan dọn 3 ngày/lần, thu được 1,3-1,4 tấn phân. Chị Loan cung cấp: “Phân cút là loại phân hữu cơ rất tốt, được nhà nông mua về bón cho cây trồng các loại. Như giá phân cút hiện tại là 1.900 đồng/kg, một tháng tiền phân cút cũng thu được trên 20 triệu đồng”. Không chỉ bán phân, 2 ha trồng cà phê và sầu riêng của gia đình được bón loại phân hữu cơ ủ từ phân cút và trứng vỡ cho năng suất cao, giảm chi phí phân vô cơ tới 40-50%. Được bón phân hữu cơ chất lượng, diện tích sầu riêng và cà phê của gia đình chị cho năng suất tốt và chất lượng trái tăng cao, độ phì nhiêu của vườn cũng được cải tạo rất hiệu quả.

Để có đàn cút đẹp, khỏe, đẻ nhiều, trứng đạt chuẩn, gia đình chị Vũ Thị Loan luôn đảm bảo hai vấn đề: vệ sinh và dinh dưỡng. Chuồng cút phải thoáng, có nhiệt độ ổn định và vệ sinh hàng ngày. Chim cút được cho ăn và uống đầy đủ hàng ngày, cung cấp vitamin hàng tuần. Chăm sóc tốt, trứng sẽ to, vỏ cứng, tỷ lệ dập vỡ thấp. Đại lý cám Tuấn Ly (Lộc An, Bảo Lâm), doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trứng cút của gia đình chị Loan cho biết, doanh nghiệp cung cấp giống, cám, thuốc và bao tiêu sản phẩm cho trại. Cứ hai ngày, doanh nghiệp tới thu trứng một lần và thanh toán tiền rất gọn. Trứng của trại được đánh giá chất lượng tốt, trứng to, chắc vỏ, ít hao hụt. Do chăn nuôi theo hợp đồng giao kết nên trại cút nhà chị Vũ Thị Loan luôn ổn định đầu ra, không lo cảnh ế hàng, kể cả thời điểm thị trường ảm đạm.

Ông Ngô Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc đánh giá, hộ chị Vũ Thị Loan là nông dân giỏi, tích cực trồng trọt, chăn nuôi. Nuôi cút siêu trứng đồng thời, thu phân cút hữu cơ của gia đình chị là mô hình hiệu quả, được nhiều nông dân học hỏi để phát triển chăn nuôi nơi vùng sâu Hòa Bắc.

Diệp Quỳnh

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *