Hiện tại, giá lợn hơi, gia cầm trên thị trường tiếp tục giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Để ngành này phát triển bền vững, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu là hết sức cần thiết. Song, để thực hiện được nhiệm vụ đó vẫn còn nhiều việc phải làm.
Kiểm soát dịch bệnh giúp tiêu thụ ổn định
Hiện nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, nên giá cả lên xuống bấp bênh, khiến cho người chăn nuôi khó khăn trong việc duy trì tổng đàn. Mặt khác, chăn nuôi vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, liên kết chuỗi chăn nuôi còn lỏng lẻo… Do đó, việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất quan trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã công nhận 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với 198 cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu; trong đó 53 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc và 145 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm. Việc này không chỉ giúp các trang trại, doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm, mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.
Thành phố Hà Nội đang quy hoạch khu chăn nuôi tập trung liên kết thành các vùng an toàn. Trong ảnh: Chăm sóc gà tại Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái
Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Hà Nội đã triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại 4 quận nội thành: Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình; duy trì 37 cơ cở an toàn dịch bệnh động vật. Việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh giúp giảm nguy cơ vật nuôi bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở 55 tỉnh, thành phố, với 4.125 lượt chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với 20 bệnh. Nhờ quản lý được vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam dần bứt phá, nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã đạt 64 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USD, tăng 10,2%; thịt và phụ phẩm dạng thịt, phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 16,9 triệu USD, tăng 14,2%.
Tháo gỡ khó khăn để nhân rộng
Song, việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh vẫn còn gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư lớn, cản trở việc mở rộng quy mô. Trong khi đó, các cơ sở chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý, kiểm soát, xử lý môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh; cơ sở hạ tầng cho các vùng chăn nuôi chưa đồng bộ…
Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 5-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT ngày 30-12-2022 quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Trên cơ sở đó, các địa phương tăng cường tập huấn kỹ năng về kiểm soát dịch bệnh đối với các bệnh đăng ký công nhận an toàn cho người trực tiếp chăn nuôi để áp dụng vào thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có thêm ít nhất 30 vùng (cấp huyện, cấp tỉnh) chăn nuôi gia cầm, lợn, trâu, bò an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 12 vùng cấp huyện đạt tiêu chuẩn vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, 80% trang trại chăn nuôi quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Để đạt mục tiêu đó, Hà Nội đẩy nhanh việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung đã được quy hoạch; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của kiểm soát dịch bệnh nói chung và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu nói riêng. Theo đó, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu, Việt Nam phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, đến sơ chế, chế biến… Đặc biệt, các địa phương phải rà soát, chọn phương án khả thi để xây dựng và mở rộng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm tốt nhất, phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đã đem lại nhiều hiệu quả cho người chăn nuôi và cộng đồng. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi về lợi ích của xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; đồng thời, có chính sách khuyến khích về vốn, khoa học, công nghệ, xử lý môi trường để người chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ngọc Quỳnh
Nguồn: Hà Nội mới