Giá gia súc giảm, người nuôi không có lãi

Hơn 1 tháng nay, giá gia súc liên tục giảm mạnh. Đầu ra của sản phẩm bấp bênh, khiến không ít người chăn nuôi Đắk Nông gặp khó.

Một con trâu lỗ hơn 10 triệu đồng 

Gia đình anh Nguyễn Tiến Minh, xã Đắk Wer (Đắk R’Lấp), đầu tư chuồng trại chăn nuôi 12 con bò. Giá gia súc giảm, anh Minh không khỏi muộn phiền khi lâm vào cảnh bán không được, để nuôi cũng chẳng xong.

giá gia súc

Những tháng đầu năm, giá gia súc giảm mạnh, gây khó cho người chăn nuôi

Theo anh Minh, gia đình vừa bán 6 con bò cái và 1 con bò giống chỉ được 70 triệu đồng. Năm trước, số bò này phải bán được trên 120 triệu đồng. Nhờ chủ động được bò giống và thức ăn xanh nên gia đình anh không bị lỗ như những hộ khác.

“Giá thịt bò hơi hiện nay dao động từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg. Nếu cứ duy trì chăn nuôi với mức giá này, người nông dân sẽ không có lãi”, anh Minh chia sẻ.

Gia đình anh Phan Văn Giang, xã Long Sơn (Đắk Mil) cũng lâm vào cảnh tương tự. Gia đình anh hiện có 10 con trâu. Trước đây, trung bình mỗi con trâu khi xuất chuồng đạt khoảng 3 – 4 tạ. Với giá 100.000 đến 120.000 đồng/kg hơi, mỗi con trâu bán được trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, giá trâu giảm mạnh chỉ còn 55.000 đến 60.000 đồng/kg hơi. Với mức giá này, trung bình bán một con trâu lỗ hơn 10 triệu đồng.

giá gia súc

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tận dụng nguồn thức ăn xanh để giảm chi phí chăn nuôi.

“Từ đầu năm đến nay, cả trâu thịt và trâu giống, tôi không xuất được lứa nào. Có thời điểm, vì cần tiền, tôi muốn bán, nhưng thương lái cũng không tha thiết gì”, anh Giang than thở.

Theo Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Mil, chưa có năm nào giá gia súc biến động mạnh như năm nay. Nguyên nhân là do nguồn cung thịt gia súc đang vượt cầu.

Trước mắt, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân duy trì đàn vật nuôi. Việc vận động các hộ chăn nuôi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, phát triển chăn nuôi an toàn cũng được huyện khuyến khích.

Về lâu dài, huyện tích cực triển khai đề án phát triển chăn nuôi tập trung trên các vùng đã quy hoạch. Địa phương sẽ khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lớn vào liên kết với người dân, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ.

 

Cần thận trọng tăng đàn

Không riêng các hộ chăn nuôi trâu, bò, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đang lâm vào cảnh lỗ nặng. Theo nhiều hộ chăn nuôi heo, thời điểm Tết, giá heo hơi dao động từ 50.000 đến 52.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, giá heo giảm xuống còn từ 42.000 đến 46.000 đồng/kg.

giá heo

Giá heo hơi giảm xuống, nhiều gia đình lấy công bù lỗ.

Theo tính toán, với mức giá như hiện nay, mỗi tạ heo hơi người chăn nuôi đang lỗ từ 500.000 đến 800.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Lành, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết, vừa qua, gia đình xuất bán 10 con heo, với trọng lượng hơn 1 tấn thịt hơi. Gia đình phải chịu lỗ hơn 2 triệu đồng tiền thức ăn. Chưa kể tiền công chăm sóc, thuốc thú y, vắc-xin…

“Giá heo xuống thấp. Trong khi, giá thức ăn lại tăng 20%. Gia đình tôi không dám tái đàn vì sợ càng nuôi càng lỗ”, bà Lành chia sẻ.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 3.050 con trâu, 27.300 con bò và hơn 450.600 con heo.

Trước tình hình giá gia súc ở mức thấp, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này.

Để chăn nuôi phát triển ổn định, mỗi địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá. Người chăn nuôi tập trung phòng, chống dịch cho tốt để không bị thiệt hại do dịch, bệnh.

Đối với những cơ sở chăn nuôi lớn cần tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, giúp người dân phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Nguyễn Lương

Nguồn: Báo Đắk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *