Hiện đang là thời điểm mùa khô, nền nhiệt giữa ngày và đêm cũng như các buổi trong cùng một ngày biến động mạnh, làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Đây cũng là giai đoạn các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh… dễ phát sinh và lây lan thành dịch. Vì vậy, cơ quan chuyên môn của các địa phương đã và đang triển khai tích cực các biện pháp, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.
Chủ động phòng tránh
Sau khi xuất bán đàn vật nuôi để phục vụ thị trường Tết thì đây là thời điểm các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tái đàn, tăng đàn để chuẩn bị sẵn nguồn cung vào dịp Thanh minh sắp đến. Tuy nhiên, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài liên tục trong những ngày qua làm cho đàn vật nuôi có nguy cơ giảm sức đề kháng.
Trại nuôi heo được đầu tư xây dựng theo hướng an toàn sinh học của một hộ dân ở huyện Phước Long.
Đây là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch bệnh ở heo thường xảy ra vào mùa hè. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn. Tuy chưa vào cao điểm nắng nóng, nhưng gần một tháng qua, bà Nguyễn Út Em (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) đã đốn thêm lá dừa để phủ lên chuồng nuôi heo của gia đình. Đồng thời, bà cũng bố trí thêm vòi uống nước tự động trong chuồng nuôi để bổ sung thêm lượng nước cho đàn heo gần chục con của gia đình. Bà Út bày tỏ: “Sáng thì thấy trời lành lạnh, trưa với chiều thì nắng nóng hầm hập, con người còn muốn chịu không nổi, nói gì đến vật nuôi. Bởi vậy, tôi phải gia cố lại chuồng, che lại các hướng ánh nắng có thể chiếu vào, tưới nước lên mái chuồng lúc trời nắng gắt để giảm nhiệt độ… Chăm sóc kỹ vậy nhưng mà mùa nay nuôi cũng chậm lớn lắm!”.
Cũng như bà Út, khi thời tiết chuyển mùa, anh Trần Văn Trơn (huyện Phước Long) đã giảm mật độ vịt thịt nuôi nhốt tập trung, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giảm nhiệt độ chuồng nuôi. Anh Trơn chia sẻ: “Để giúp đàn vịt nuôi của gia đình phát triển tốt trong mùa nắng nóng này, tôi chủ động bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà tăng sức đề kháng. Cùng với đó, thường xuyên cải tạo đệm lót sinh học từ trấu tạo môi trường sạch chăn nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng”.
Hộ chăn nuôi bò ở TX. Giá Rai bổ sung thêm cỏ tươi cho bò trong những ngày nắng nóng.
Hỗ trợ hộ chăn nuôi
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 3 triệu con gia cầm và 200.000 con heo. Tuy nhiên, do đặc thù là kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, bán tập trung nên hệ thống chuồng trại được người dân đầu tư khá thô sơ, không tính toán đến các yếu tố môi trường khi chọn vị trí xây chuồng trại nên rất khó quản lý, kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, tình hình dịch cúm gia cầm (H5N1) lại đang diễn ra ở các nước lân cận, trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn.
Anh Trần Văn Trơn cho đàn vịt ăn lúa. Ảnh: C.L
Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng chống nắng nóng. Theo đó, cần bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để làm mát, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiến hành thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để tiến hành tiêm phòng cũng như tổ chức đợt cao điểm tiêu độc, khử trùng chuồng trại cho các hộ chăn nuôi lớn cũng như các hộ nuôi nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tập trung tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: “Trong điều kiện thời tiết đang vào mùa nắng nóng như hiện nay, các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống những tác nhân truyền nhiễm và gây bệnh. Bên cạnh biện pháp vệ sinh và làm mát chuồng trại thì cần cung cấp đầy đủ nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng, có bổ sung vi lượng cần thiết để hỗ trợ sức đề kháng cho vật nuôi”.
Chí Linh
Nguồn: Báo Bạc Liêu